Từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, nhiều năm qua, địa bàn do đơn vị quản lý không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Nguy cơ cháy rừng cao Rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội thuộc loại rừng cảnh quan du lịch, có tổng diện tích 3.760ha, với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Rừng đặc dụng Hương Sơn có tác dụng cân bằng hệ sinh thái, điều hòa cho một tiểu vùng khí hậu. Trong rừng có quần thể danh thắng Chùa Hương nổi tiếng được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Hàng năm, nơi đây đón hàng triệu lượt du khách về trẩy hội, tham quan, lễ phật. Do lượng du khách đông cũng chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra cháy rừng.
Với tổng diện tích rừng lớn, lại phân bố trên địa bàn 4 xã của huyện Mỹ Đức, cộng thêm địa hình hiểm trở, nhiều đoạn phải di chuyển bằng đường thủy, đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác kiểm tra, bảo vệ rừng. Mỗi khi xảy ra cháy rừng, việc cơ động máy móc, phương tiện chữa cháy rất khó khăn. Đặc biệt, tại vùng chính rừng đặc dụng Hương Sơn có dãy núi gần động Người xưa có một mỏ diêm sinh, khi nhiệt độ lên cao rất dễ phát lửa gây cháy rừng. Trong rừng vào mùa khô hanh, nước dùng cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất rất khó khăn, vì thế khi xảy ra cháy rừng rất thiếu nguồn nước tại chỗ để dập lửa. Anh Lê Văn Cử, cán bộ thuộc BQL rừng đặc dụng Hương Sơn chia sẻ, phía Đông của khu rừng có nguồn nước rất phong phú của dòng suối Yến từ trong núi Hương Tích, Thiên Trù chảy ra Long Vân, Tuyết Sơn rộng khoảng trên 100 ha, kéo dài gần 10km. Nhưng bao quanh là các dãy núi đá vôi rất cao, hiểm trở, nên việc vận chuyển nước phục vụ cho PCCCR là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, do khu rừng nằm gần khu dân cư, nên người dân thường xuyên vào rừng canh tác. Hiện tại có trên 300 hộ dân làm vườn rừng và có 300 hộ làm nhà ở, lán trại kinh doanh dịch vụ ngay trong rừng. Hàng ngày lượng người ra vào rừng rất lớn, có ngày lên tới 80.000 người, tạo áp lực xâm hại lên tài nguyên rừng, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Khắc phục khó khăn Khắc phục những khó khăn trên, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, canh lửa rừng và nâng cao ý thức của Nhân dân đối với PCCCR. Với phương châm “phòng là chính” nên ngay từ đầu năm, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã chỉ đạo các hộ dân làm vườn rừng, sản xuất trong rừng, các hộ kinh doanh dịch vụ trong mùa lễ hội, ký cam kết với các thôn có ranh giới giáp với khu rừng. Thường xuyên chỉ đạo các tổ, nhóm, hộ dân khoán, bảo vệ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng. Đặc biệt là quản lý tốt nguồn lửa, nguồn điện, PCCCR, cháy nổ trong khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn. Hàng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch hạ cấp vật liệu cháy, làm đường băng cản lửa cho các khu vực xung yếu thường xuyên có nguy cơ cháy. Trong năm 2015, đơn vị đã tuyên truyền ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR đối với 283 hộ gia đình kinh doanh, sản xuất trong rừng và ven rừng. Tổ chức các lớp nâng cao kiến thức về PCCCR cho cán bộ xã, thôn, xóm phụ trách công tác lâm nghiệp và người dân làm nghề rừng trên địa bàn, mỗi lớp thu hút 60 người. Tuyên truyền ký cam kết với 4 xã về công tác bảo vệ và PCCCR. Phát hành 1.500 tờ rơi, cắm 60 biển, bảng tuyên truyền nội quy, cấp dự báo cháy rừng tại các cửa rừng, nơi có đông người qua lại. Trong mùa hanh khô, mùa cao điểm lễ hội Chùa Hương, đơn vị đã xây dựng lịch trực PCCCR, đảm bảo luôn có người trực 24/24 giờ, đặc biệt là trong các ngày nghỉ, ngày lễ. Phối hợp cùng các hộ dân khoán bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng. Tuyên truyền người dân sinh sống, sản xuất gần rừng kiểm soát nguồn lửa tránh phát tán ra xung quanh.
Song song với việc vận động người dân không mang lửa vào rừng, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm hướng dẫn các chủ rừng về công tác vệ sinh, chăm sóc rừng trồng và mang các vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng. Thường xuyên cử cán bộ bám sát địa bàn, trực 24/24 giờ tại rừng nhằm phát hiện sớm các điểm cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng. Hướng dẫn UBND các địa phương có rừng chỉ đạo sát sao lực lượng canh coi cửa rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát những người đi lại sinh hoạt trong rừng, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Cảnh giới cao việc sử dụng lửa trong mùa khô hanh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến đông đảo người dân. Hiệu quả thiết thực Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp tuyên truyền, thời gian qua, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã thực hiện rất tốt công tác PCCCR. Vài năm trở lại đây, rừng đặc dụng Hương Sơn không xảy ra vụ cháy nào. Có được kết quả này là do đơn vị đã tổ chức đồng bộ việc theo dõi, quản lý chặt chẽ nguồn lửa trong người dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cũng được quan tâm. Công tác ứng trực PCCCR được đơn vị thực hiện nghiêm túc. Việc cảnh báo nguy cơ cháy rừng được thực hiện thường xuyên, đảm bảo thông tin kịp thời đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thông qua nhiều kênh. Các chủ rừng, các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong rừng, ven rừng, các xã có rừng đã được kiểm tra chặt chẽ, yêu cầu khắc phục những thiếu sót trong công tác PCCCR. Hiện tại, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã được mua sắm trang thiết bị phương tiện, dụng cụ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác PCCCR như nhà bạt di động phục vụ trực và chữa cháy rừng, máy thổi gió chuyên dụng chữa cháy rừng đeo vai, thiết bị tạo mưa mù chữa cháy, bàn dập lửa chuyên dụng chữa cháy rừng… BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã chủ động xây dựng chương trình tập huấn hướng dẫn các thao tác thực hành, sử dụng một số loại máy móc PCCCR cho cán bộ nhân viên tham gia PCCCR. Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ rừng, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn còn thực hiện tốt công tác phát triển rừng tại địa phương. Việc chủ động phổ biến, nâng cao kiến thức về PCCCR cho toàn thể Nhân dân và triển khai các biện pháp PCCCR hợp lý sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra. Về lâu dài, theo ông Nguyễn Duy Giáp - Giám đốc BQL rừng đặc dụng Hương Sơn, công tác PCCCR chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người dân đều coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. “Song song với đó, các cấp chính quyền từ xã tới thôn phải vào cuộc và xử phạt nghiêm minh những đối tượng gây ra cháy rừng. Có như vậy “lá phổi xanh” mới được bảo vệ và phục vụ cuộc sống của chính chúng ta” - ông Giáp nói.