Bảo đảm kỳ thi thống nhất, thông suốt
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên toàn quốc, được xã hội quan tâm; kết quả Kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau.
Kỳ thi năm nay, dù học sinh thi theo Chương trình GDPT 2006 nhưng tinh thần đổi mới được thực hiện ở tất cả các khối lớp. Cùng với đó, quy chế thi có một vài điểm mới, điều chỉnh. Do đó, các yêu cầu với công tác tập huấn, quán triệt thực hiện phải được chuẩn bị rất chu đáo.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các quy định, văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện, tập huấn nghiệp vụ; triển khai và phối hợp cơ bản đồng bộ, nhịp nhàng giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ban, ngành và các địa phương cho Kỳ thi.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của Kỳ thi hiệu quả, kịp thời, tạo thuận lợi cho thí sinh và các bên liên quan. Đến thời điểm này, 63/63 tỉnh, thành đã và đang rà soát, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất và các khâu chuẩn bị để tổ chức kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 thực hiện nguyên tắc: “4 đúng, 3 không”. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: Không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã đạt được kết quả tốt trên 7 phương diện. Công tác phối hợp được triển khai thực hiện tốt giữa các bộ, ngành, địa phương; ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT.
Hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi cơ bản hoàn thiện; đã thành lập và đi vào hoạt động các bộ máy để lãnh đạo, chỉ đạo, như Ban Chỉ đạo cấp TƯ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; các Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi và đã phân công nhiệm vụ rõ ràng, đi vào vận hành. Công tác tập huấn được thực hiện chặt chẽ, bài bản và toàn diện… hướng tới Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.
Những nội dung cần lưu ý triển khai
Tại hội nghị, đại diện Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 ở một số địa phương đã báo cáo công tác chuẩn bị, đồng thời có những trao đổi, chia sẻ, kiến nghị về các nội dung liên quan đến công tác tổ chức thi.
Quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ý kiến của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các tỉnh, thành quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền, thống nhất thông suốt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức kỳ thi.
Ban Chỉ đạo các địa phương cần tổ chức tốt công tác tập huấn. Trong tập huấn nên cá thể hóa từng đối tượng (Chủ tịch hội đồng, Thư ký hội đồng, cán bộ coi thi, phục vụ, làm phách…) phải rõ chức năng, nhiệm vụ của mình. Công tác tập huấn cũng là chuẩn bị nhân lực cho tổ chức Kỳ thi.
Các địa phương chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm về điện cho Kỳ thi; đặc biệt công tác in sao đề thi, làm phách, chấm thi - làm sao cán bộ làm công tác này bảo đảm sức khỏe, thoải mái về tinh thần để làm tốt. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Cùng với đó, vấn đề nhân lực tham gia kỳ thi; công tác phối hợp; công tác kiểm tra, giám sát; công tác truyền thông; chủ động phương án xử lý với các tình huống cực đoan về thời tiết; quan tâm hỗ trợ thí sinh; chế độ thông tin báo cáo trong thực hiện nhiệm vụ… là những nội dung được Ban Chỉ đạo thi các địa phương đặc biệt lưu ý.
Lứa học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, khoảng 250.000 người tham gia công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn hết sức khó khăn, cần phải có kế hoạch, giải pháp. Cùng với đó, Kỳ thi có thể xảy ra nhiều tình huống bất thường, chưa có tiền lệ, từ thiên tai, thời tiết, đến phương tiện kỹ thuật, yếu tố con người nên cần lường trước để rà soát tối đa.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng