Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động tự bảo vệ mình trên không gian số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế số đang mở ra rất nhiều cơ hội giúp DN Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị cao như game, phim hoạt hình, âm nhạc…

Tuy nhiên, do những hạn chế về đăng ký sở hữu trí tuệ đã khiến nhiều DN trong nước gặp phải thiệt thòi lớn khi dính tới những vấn đề pháp lý dạng này, đặc biệt là với những DN xuyên biên giới.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”. Ảnh: Xuân Mai
Quang cảnh buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”. Ảnh: Xuân Mai

Bất bình đẳng ở quốc tế

Có lẽ chú sói nhỏ Wolfoo là hình ảnh vô cùng quen thuộc với phần lớn trẻ em ở Việt Nam mỗi khi bật xem Youtube. Không chỉ vậy, tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ hay Nga, đây cũng được xem là nhân vật hoạt hình nổi bật nhất đến từ Việt Nam, do chính người Việt tự sáng tạo và sản xuất nội dung.

Là hình tượng được một DN Việt có tên Sconnect ra mắt vào năm 2018, Wolfoo đã mau chóng trở thành một ngôi sao trên nền tảng video trực tuyến của Việt Nam và cũng được biết đến khá rộng rãi trên toàn thế giới. Hiện kênh Youtube của chú sói nhỏ đang có 50 triệu người theo dõi và 2 tỷ lượt xem/tháng, những con số được xem là cực kỳ ấn tượng và đáng mơ ước với bất cứ kênh nội dung nào khác trên mạng xã hội này.

Với hơn 2.700 tập phim được phát sóng, nội dung của Wolfoo là rất nhân văn khi truyền tải tới người xem các bài học về lòng can đảm, biết ơn, khiêm tốn cũng như tăng kỹ năng giao tiếp… Ngoài tiếng Việt, seri hoạt hình này cũng có 18 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Bồ Đào Nha...

Tuy nhiên, kể từ cuối 2021, mọi thứ đã trở nên thực sự tồi tệ với Wolfoo và cả Sconnect khi hình tượng chú sói nhỏ này đã dính phải những rắc rối liên quan tới bản quyền. Cụ thể, Sconnect cho biết họ đã bị 2 DN có trụ sở tại London (Anh) là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (gọi tắt là EO) sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video có nội dung tương tự.

Không chỉ bị ăn cắp bản quyền hình ảnh nhân vật, EO còn liên tục có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chơi xấu đối với Sconnect khiến DN phải chịu thiệt hại nặng nề. Tính đến hiện tại khoảng 1.300 video về Wolfoo đã bị Youtube khóa không cho hiển thị và nguyên nhân được cho là do EO tố cáo Sconnect vi phạm bản quyền. Mặc dù DN Việt đã nhiều lần gửi các tài liệu chứng minh quyền sở hữu với Wolfoo nhưng Youtube vẫn phớt lờ và dung túng cho EO.

Được biết, trong đơn khiếu nại gửi Ủy ban cạnh tranh quốc gia và đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, Sconnect đã đưa ra ước tính tổng thiệt hại cho DN tính tới thời điểm này đã lên tới hơn 1,1 triệu USD. Hiện Sconnect cũng đã khởi kiện EO tại Anh. Trước đó, Sconnect đã chiến thắng EO tại vụ kiện có nội dung tương tự tại Nga.

Nói về tình trạng trên, CEO Sconnect Tạ Mạnh Hoàng cho biết, Wolfoo không chỉ đơn giản là một nhân vật hoạt hình mà đó còn là trung tâm của cả một hệ sinh thái số mà DN xây dựng. Sự cố khiến tình hình kinh doanh của đơn vị gặp ảnh hưởng lớn khi việc hợp tác với các đối tác khác liên tục bị gián đoạn. Không chỉ vậy DN còn tốn nhiều nguồn lực cũng như kinh phí để tham gia các hoạt động pháp lý nhằm bảo vệ mình.

Câu chuyện của Wolfoo và Sconnect trên đây là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng bản quyền sở hữu trí tuệ của DN số Việt Nam đang bị ăn cắp trắng trợn trên môi trường mạng hay mở rộng hơn là trong nền kinh số. Trong khi đó, mặc dù Việt Nam có hành lang pháp lý cho những vấn đề tương tự nhưng lại rất khó áp dụng đối với các nền tảng xuyên biên giới. Không chỉ vậy, chúng ta đã chưa có những công cụ thực sự hữu hiệu để đối phó với vấn nạn này nhằm bảo vệ DN trong nước trên không gian số.

Đã đến lúc cơ quan quản lý trong nước cần hoàn thiện sớm quy định pháp luật cũng như cơ chế áp dụng phù hợp với nền kinh tế số, thông qua đó áp dụng hiệu quả ngay cả với chủ thể là DN nước ngoài. Đồng thời tăng cường ký kết hiệp ước pháp lý với các quốc gia khác nhằm đảm bảo quy định của pháp luật Việt Nam cũng có giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong phạm vi bản quyền sở hữu trí tuệ, ông Tạ Mạnh Hoàng đề xuất.

Ảnh minh họa. Minh Sơn  
Ảnh minh họa. Minh Sơn  

DN cần có ý thức tự bảo vệ mình

Đưa ra góc nhìn về thực trạng DN Việt đang phải “đau đầu” đối phó với vấn nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số, đặc biệt khi đối tượng vi phạm là DN nước ngoài, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Trần Lê Hồng cho rằng, chính DN trong nước phải tự có chiến lược nhằm bảo vệ thương hiệu của mình.

Nếu đã xác định mang thương hiệu Việt ra kinh doanh tại thị trường quốc tế, việc DN đăng ký bản quyền ở những nơi đó là rất quan trọng. Thông qua môi trường số, việc đăng ký bản quyền dạng này là rất đơn giản, thông thường chỉ mất khoảng 15 ngày và chi phí không đáng kể. Quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề cực kỳ phức tạp, vì vậy DN cần có một cách tiếp cận rõ ràng, chuyên nghiệp.

Cũng theo ông Trần Lê Hồng, việc cơ quan quản lý can thiệp trực tiếp tới các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube … để bảo vệ bản quyền cho DN trong nước là điều không hề đơn giản. Bởi quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ, luật đưa ra ở Việt Nam thì chỉ bảo vệ được ở Việt Nam, còn ở quốc gia khác thì phải theo pháp luật nơi đó. Vì vậy DN cần phải khẳng định quyền với sản phẩm của mình ngay từ khi chưa tung ra thị trường.

Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không chỉ chưa được các DN quan tâm đúng mức mà ngay cả các startup cũng gặp tình trạng tương tự. Nếu không tính đến yếu tố này, chỉ cần xuất hiện một vụ việc về pháp lý, với khả năng tài chính hạn chế, dự án khởi nghiệp hoàn toàn có khả năng phải ngưng hoạt động, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra cảnh báo.

Có ý kiến tương tự, luật sư Hà Thị Kim Liên (đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đang có tình trạng phổ biến đối với DN số là khi có ý tưởng mới, họ thường chỉ tập trung vào triển khai kinh doanh thay vì quan tâm tới các vấn đề pháp lý bảo vệ bản quyền. Do đó đến khi xảy ra tranh chấp sẽ rất khó có cơ sở để tự bảo vệ mình.

 

Hiện Việt Nam đang là thành viên của công ước Berne, do đó khi quyền tác giả được bảo hộ tại Việt Nam sẽ đồng thời được bảo hộ tại 180 quốc gia khác trên thế giới, vì vậy DN đã đăng ký ở Việt Nam thì không cần đăng ký lại ở những quốc gia trên. Tuy nhiên với quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, tên thương mại… lại có cơ chế bảo hộ riêng. Do đó DN cần xác định được mình có tài sản sở hữu trí tuệ nào để có biện pháp bảo vệ tương ứng, luật sư Hà Thị Kim Liên tư vấn.