Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão số 7

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/10, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì cuộc họp khẩn với sự tham dự của các sở ngành, cùng 30 quận, huyện, thị xã nhằm triển khai công tác ứng phó với bão số 7 đang đổ bộ vào đất liền nước ta.

Trước diễn biến của bão số 7, chiều nay (17/10), UBND TP đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai. Báo cáo tại cuộc họp, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay, phần lớn diện tích lúa trên địa bàn TP đã được thu hoạch xong.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 3.500ha lúa muộn, lúa nếp thuộc các huyện: Đông Anh, Thanh Oai, Sóc Sơn... chưa thu hoạch. Toàn TP đã gieo trồng khoảng 2.350ha cây vụ Đông, chủ yếu là ngô và đậu tương. Đối với diện tích cây trồng chưa thu hoạch nên đoàn công tác đã đôn đốc các địa phương chú trọng tới công tác tiêu úng khi có mưa lớn.
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Bão số 7 được dự báo sẽ gây mưa to gió lớn. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn cây xanh, công trình đang thi công dở dang và ngập úng đô thị là những vấn đề cần được lưu tâm. Đại diện Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho biết, trong ngày hôm nay (17/10), đơn vị đã tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh khu vực nội đô, trong đó, đặc biệt lưu tâm tới việc chằng chống cho 10.000 cây xanh mới trồng.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã tiến hành hạ mực nước các sông, hồ. Trong khi đó, 5 doanh nghiệp thủy lợi của TP cũng đã sẵn sàng phương án vận hành các trạm bơm tiêu úng cho diện tích nông nghiệp thuộc đơn vị quản lý...

Trước diễn biến bão số 7, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị, nhắc nhở các sở ngành, các địa phương không được phép chủ quan, đồng thời nhấn mạnh: Việc chủ động phương án ứng phó sẽ giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Nhằm ứng phó chủ động với bão số 7, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị các đơn vị, các địa phương sẵn sàng với phương châm "4 tại chỗ". Tập trung rà soát công trình nhà cao tầng đang thi công dang dở, chằng chống bồn chứa nước tại khu vực dân cư... Cho rằng khi xảy ra mưa thì ngập úng là khó tránh khỏi, tuy nhiên, Phó Chủ tịch lưu ý Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cần có phương án giải quyết nhanh nhất tình trạng úng ngập khi xảy ra.

Sở GTVT phối hợp cùng Công an TP triển khai phân luồng, chống ùn tắc giao thông khi có mưa lớn. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đảm bảo nỗ lực cung cấp điện trong thời gian mưa bão, nhất là phục vụ việc vận hành hệ thống các trạm bơm tiêu úng, thoát nước chống ngập nội đô. 5 doanh nghiệp thủy lợi của TP tổ chức ứng trực 24/24 giờ kể từ ngày mai (18/10), tập trung cho công tác tiêu thoát nước, xả nước hồ chứa.

Trong quá trình xả lũ hồ chứa, cần chú ý thông báo để người dân biết, chủ động phòng tránh. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu 30 quận, huyện, thị xã ngay trong ngày mai (18/10) cần thông báo trên đa dạng phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến mưa bão, các giải pháp phòng tránh bão trên cơ sở 2 Công điện số 07 và 08 ngày 16 và 17/10/2016 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP, tránh tâm lý chủ quan trong Nhân dân. 

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bão số 7 hiện đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được từ 15 - 20km và có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc. Dự báo khoảng chiều 19/10, bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ (trọng tâm là Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14 - 15. Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ từ đêm qua, rạng sáng mai (18/10) đã có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 10. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.