Tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt vừa được triển khai tại Đà Nẵng, ông Phạm Công Trình - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, mỗi khi có bão lũ xảy ra, các đơn vị trong ngành đã tổ chức trực, chốt, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực, chủ động trong công tác phòng ngừa và tổ chức khắc phục nhanh, an toàn, kịp thời nên không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Khi có sự cố, tai nạn xảy ra, trưởng tàu và tổ công tác trên tàu đều thực hiện đúng quy trình giải quyết tai nạn theo quy định của Thông tư 15 và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Lực lượng cứu hộ cứu nạn của các đơn vị trong ngành Đường sắt tích cực cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do sự cố, tai nạn gây ra.
Tuy nhiên, ông Trình cũng thừa nhận, lãnh đạo một số đơn vị liên quan chưa kịp thời có mặt để tham gia chỉ đạo giải quyết tai nạn khi xảy ra các vụ tai nạn chạy tàu nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Việc điều động phương tiện, thiết bị cứu hộ, cứu nạn có lúc còn lúng túng, chưa hợp lý. Cũng còn trường hợp Hội đồng giải quyết tai nạn chưa nhận định đúng khả năng thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn của các phương tiện, thiết bị hiện có nên chậm đưa ra quyết định thuê phương tiện, thiết bị của các tổ chức, cá nhân ngoài ngành để khôi phục lại giao thông đường sắt nhanh nhất.
“Lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên trách cũng có nơi, có lúc chưa làm tốt công tác chuẩn bị, kiểm tra, lắp ráp hệ thống thiết bị cứu hộ, cứu nạn nên trong quá trình tổ chức cứu hộ còn để xảy ra sự cố phương tiện, thiết bị” - ông Trình nói.
Trước diễn biến phức tạp của sự cố, thiên tai và TNGT đường sắt, năm 2014, Tổng công ty Đường sắt VN đã đề ra mục tiêu: Chủ động trong ứng phó, phòng ngừa; giải quyết kịp thời, nhanh gọn, an toàn khi có sự cố, thiên tai, tai nạn xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản cho đường sắt VN và xã hội.
Để hoàn thành mục tiêu trên, việc làm đầu tiên mà ngành Đường sắt áp dụng là tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện, sửa chữa và gia cố kịp thời các điểm xung yếu, bố trí lực lượng trực chốt khi có bão lũ.
Bên cạnh đó các đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền sở tại và nhân dân địa phương trong công tác ứng cứu sự cố. Nhân lực và vật tư phương tiện cũng luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó để đạt kết quả tốt trong công tác ứng cứu sự cố thiên tai, tai nạn xảy ra.