Hiện mỗi chiếc Bphone 2017 bán ra thị trường Bkav đang phải bù lỗ, nếu không giá sản phẩm chắc chắn còn cao hơn.
Thông tin được Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết tại buổi gặp mặt báo giới tại Hà Nội, chiều nay (24/8), để giải đáp những thắc mắc, quan điểm và những ý kiến trái chiều về chiếc điện thoại smartphone mới nhất của Bkav.
Bù lỗ nhưng không bằng mọi giá
Trả lời câu hỏi của VnEconomy về kết quả kinh doanh sau 5 ngày Bphone 2017 chính thức được bán ra thị trường cũng như mức bù lỗ của Bkav đối với sản phẩm này, ông Quảng không cho biết cụ thể con số bán ra, tuy nhiên, theo ông sứ mệnh của Bphone 2017 là để chinh phục niềm tin của người dùng Việt nên Bkav không đặt nặng doanh số.
Theo ông Quảng, đến nay doanh số Bphone 2017 bán ra không nhiều nhưng nhu cầu thị trường thì đã vượt quá dự định đặt ra của Bkav và Bkav cùng Thế Giới Di Động đã thống nhất không nhận hàng cho tới đầu tháng 9. Hiện tập đoàn này đang phải đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Còn về việc bù lỗ, ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định, Bkav đang phải bù lỗ cho Bphone 2017 từ lúc đầu tư sản xuất cho đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông cho biết, một người kinh doanh bài bản sẽ không ai nói là đang bù lỗ, bản thân ông cũng vậy. Tuy nhiên, có quá nhiều người băn khoăn và băn khoăn là để Bkav phát triển nên ông cũng chia sẻ tất cả bằng tấm lòng và bằng danh dự của mình, do vậy mới tiết lộ Bkav phải bù lỗ cho Bphone như vậy.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bkav cũng cho rằng, mức bù lỗ trên là có tính toán chứ không phải bù lỗ bằng mọi giá. Đồng thời mức giá mà Bkav đưa ra cho Bphone 2017 là rất thực tế, nếu số lượng đủ lớn cỡ vài chục nghìn sản phẩm thì Bkav có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường và khi đó Bkav sẽ không phải bù lỗ nữa.
Nhưng chúng tôi chờ đợi ngay Bphone 2017 sẽ bùng nổ chứ không phải đợi đến các sản phẩm tầm trung, ông nói.
Không muốn “mắc kẹt” ở định vị thương hiệu
Bkav tại sao không ra sản phẩm ở phân khúc vừa phải để dễ tiếp cận người dùng mà lại định vị sản phẩm ở phân khúc cao cấp để “đặt mình” vào cuộc chơi khó khăn hơn và khó thành công hơn?
Cũng như câu trả lời trước đó với báo giới tại Tp.HCM chiều 23/8, ông Quảng cho biết là ông đã đặc câu hỏi với nhiều người rằng, “bạn muốn Việt Nam có một thương hiệu sản phẩm công nghệ như Samsung, Apple hay muốn một thương hiệu như Xiaomi của Trung Quốc, thì mọi người đều mong muốn Samsung và Apple”.
“Và đó là lý do mà Bkav quyết tâm xây dựng trở thành một thương hiệu cao cấp của Việt Nam, không muốn thua kém các hãng hàng đầu thế giới. Thành công như Xiaomi cũng tốt nhưng như Apple và Samsung thì còn tốt hơn”, ông nói.
Lý giải với VnEconomy, ông Quảng cho biết, trước khi làm Bphone 2017 Bkav cũng tính toán rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông, đây chiến lược trong kế hoạch dài hạn và Bkav tự nhận về mình sứ mệnh tạo ra nền công nghiệp sản xuất smartphone của Việt Nam. “Tôi muốn tạo ra hình mẫu để thấy Việt Nam có thể phát triển bằng chất xám, trí tuệ chứ không phải bằng các tài nguyên thiên nhiên”, ông nói.
“Với Bphone 2017 chúng tôi không có kỳ vọng sản lượng lớn mà là chinh phục niềm tin của người tiêu dùng Việt để khẳng định Việt Nam có thể làm ra các sản phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm trên thế giới. Nếu chinh phục thành công thì chúng tôi sẽ mở rộng ra phiên bản cao cấp (đã có) và tầm trung.
Bkav muốn mọi người dân Việt Nam trên tay đều có sản phẩm Bphone chứ không phải là iPhone hay Samsung”, vị lãnh đạo Bkav chia sẻ.
Theo vị này, gần 8 năm đầu tư, sản xuất và kinh doanh với tổng số vốn 500 tỷ đồng bằng vốn tự có của Bkav (từ kinh doanh phần mềm diệt virus) nhưng Bkav không hề vì lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu làm giá rẻ thì Bkav sẽ có ngay lợi nhuận, có ngay hàng trăm nghìn khách hàng, và không bị “ném gạch đá” như thời gian qua, nhưng theo ông, khi đó, Bkav sẽ bị “mắc kẹt” ở phân khúc định vị giá rẻ để làm lớn hơn.
Dù vậy, vị này cũng cho biết, Bkav đang đầu tư làm sản phẩm khúc tầm trung và chắc chắn Bkav sẽ sớm đưa sản phẩm này ra thị trường.