Một trong những vấn đề thành phố đặc biệt quan tâm
Phát biểu tại Phiên giải trình "Về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Hà Nội” do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức sáng nay (4/11), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chương trình công tác năm 2019 của HĐND TP, đây là phiên giải trình lần thứ 3 trong năm 2019 được Thường trực HĐND TP tổ chức. Thường trực HĐND TP lựa chọn nội dung này để yêu cầu UBND TP và các cơ quan liên quan giải trình vì 3 lý do chính.
Thứ nhất, TP có trên 70.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của TPmới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận. Vì vậy, việc quản lý ATTP trên địa bàn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và người dân TP, trong đó nhất là với sản xuất tiêu dùng và lưu thông. Do đó, ATTP là một trong những vấn đề TP đặc biệt quan tâm và coi đây là vấn đề có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 năm 2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ATTP trong tình hình mới trên địa bàn TP. Tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 HĐND TP khóa 15, vấn đề ATTP vẫn được Thường trực HĐND TP lựa chọn để chất vấn, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm.
Thứ hai, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thành ủy, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả, nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra gây lo ngại, bức xúc trong Nhân dân như: Tình hình vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm không đảm bảo ATTP tại Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; việc kiểm tra kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau củ quả và các loại thực phẩm tươi sống kinh doanh ở các chợ, các điểm lẻ còn khó khăn; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong các khu dân cư chưa đảm bảo vệ sinh thú y, gây mất vệ sinh môi trường, ATTP chưa được kiểm soát; việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm; công tác chỉ đạo điều hành kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và thường xuyên; ý thức của người dân, người sản xuất về thực phẩm, chấp hành các quy định pháp luật về ATTP chưa cao.
Thứ ba, đây là nội dung cử tri rất quan tâm và tập trung nhiều ý kiến trong các hội nghị tiếp xúc cử tri của HĐND.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu |
Từ 3 lý do này, Thường trực HĐND TP tổ chức phiên giải trình nhằm đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật, chỉ đạo của chính quyền TP trong thực hiện ATTP; từ đó xác định các nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ATTP và thực hiện các kết luận chất vấn của HĐND; đồng thời kiến nghị đề xuất các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới. Thành phần tham dự, ngoài lãnh đạo các sở, ngành, Thường trực HĐND TP còn mời 30 chủ tịch các quận, huyện, thị xã; 4 chi cục trưởng các chi cục của Sở Y tế, Sở NN&PTNT; 13 chủ tịch xã, phường; 2 lãnh đạo phòng Y tế và Đội quản lý thị trường cấp huyện để trực tiếp giải trình.
“Thường trực đề nghị các đại biểu HĐND TP bám sát mục đích, yêu cầu của phiên giải trình, tham gia phiên giải trình với tinh thần trách nhiệm xây dựng, thẳng thắn; đề nghị UBND TP, sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường và các đơn vị liên quan khi được đại biểu đặt câu hỏi thì giải trình rõ thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, làm rõ trách nhiệm, có lộ trình, có biện pháp khắc phục trong thời gian tới”, Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.
Sau một năm sẽ tái giám sát
Cũng tại Phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, với 15 lượt ĐB đặt câu hỏi, 16 lượt trả lời của đại diện các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường và trả lời của Chủ tịch UBND TP, phiên giải trình đã đạt mục đích đề ra. Thường trực HĐND TP hoan nghênh UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo công tác tổ chức phiên giải trình, trong đó chuẩn bị phóng sự theo các địa chỉ do chính các quận, huyện giới thiệu; công khai cho các sở, ngành, quận, huyện, để các địa phương, đơn vị thấy được cái làm được và chưa làm được, có đánh giá khách quan; hoan nghênh ý kiến tiếp thu thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP trước 10 nhóm vấn đề.
“Cần khẳng định từ khi có Chỉ thị 10 và phiên chất vấn của HĐND TP cách đây 3 năm, công tác quản lý ATTP trên địa bàn TP có chuyển hiến tích cực, hiệu quả được người dân ghi nhận, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp. Trong đó, qua báo cáo và thực tiễn cơ sở, Chỉ thị 10 và ý kiến của HĐND đã được triển khai đến cơ sở, nhận thức của các cấp đã có nhiều thay đổi. Một số xã, phường đều có 10-15 văn bản khác nhau để phân công, phân nhiệm. Kiểm soát thực phẩm, rau xanh đến người dân có chuyển biến; người dân có địa chỉ cụ thể để đến mua sản phẩm, an tâm hơn; kiểm soát về giết mổ có con số cụ thể, tăng so với lần chất vấn trước; truyền hình và các trang báo đều có chuyên mục về nhận biết thực phẩm an toàn… Hơn nữa, 91% cơ sở đã ký cam kết về ATTP, trong khi trước chỉ đạt 30%. GIết mổ nhỏ lẻ đã giảm, đưa vào cơ sở tập trung, giảm 30% so với chất vấn lần trước… Rõ ràng công tác lãnh đạo đã có kết quả”, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận.
Toàn cảnh Phiên giải trình |
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch HĐND TP, câu hỏi đặt ra là khi người dân sử dụng rau củ quả, thịt… trên thị trường Hà Nội đã thực sự an tâm, nhất là tại các chợ tạm, chợ cóc? Câu trả lời là “chưa”. Rõ ràng, kiểm soát rau củ quả, thực phẩm đã có nhưng chưa triệt để, nơi này nơi khác còn bị buông lỏng. “Cơ sở giết mổ có cấp phép đã được kiểm soát, nhưng những nơi giết mổ không cấp phép do ai kiểm soát? Kiểm soát thức phẩm, thịt, rau từ sản xuất đến lưu thông, chế biến đúng là còn không ít tồn tại, cần nhiều cố gắng. Với 10 triệu người dân hàng ngày sử dụng thực phẩm trên địa bàn, với thói quen dựng xe xuống là mua ngay được thực phẩm, thì để quản lý ATTP ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý còn cần Nhân dân, cử tri đóng góp”, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đặt vấn đề.
Từ đó, Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP rà soát việc thực hiện mọi quy hoạch, kế hoạch đã ban hành để triển khai Chỉ thị 10 của TP và 31 kế hoạch, đề án của UBND TP, trong đó nhất là văn bản liên quan quản lý rau sạch, giết mổ tập trung, chuỗi rau an toàn thực phẩm, kiểm soát thức ăn đường phố… Trên tinh thần đó, cần triển khai thực hiện hiệu quả; Chủ tịch UBND TP giải quyết vướng mắc của từng vấn đề, nhất là từ chăn nuôi đến giết mổ, lưu thông gia súc gia cầm… và kiến nghị với HĐND TP, để trong thẩm quyền của mình, HĐND TP có thể tổ chức phiên họp về vấn đề này. Hay về chợ đầu mối, TP sẽ quyết tâm xây dựng một số chợ. Với quản lý chợ dân sinh cũng đã phân cấp rồi, UBND TP cần đề xuất siết chặt quản lý như thế nào, trong đó chủ tịch UBND cấp huyện cần chịu trách nhiệm hoàn toàn, coi đây là tiêu chí về xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa. Với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường giải trình chưa đầy đủ, TP cần quan tâm hơn vấn đề này.
Bên cạnh đó, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Chủ tịch HĐND TP cho rằng, TP đã đưa vào quản lý bằng công nghệ, cần rà soát lại. Còn nhiều việc vẫn chậm trễ như xây dựng khu giết mổ tập trung, cấp phép cho giết mổ bán công nghiệp, nhỏ lẻ mới đạt 13%. Do đó, TP cần sớm rà soát mối quan hệ giữa các sở, ngành trong giải quết công việc theo văn bản chỉ đạo của T.Ư, để đổi mới cách kiểm tra nhằm tăng phát hiện vi phạm; UBND TP cần đề xuất xử lý những cơ sở vi phạm mà hiện tỷ lệ xử lý còn thấp, cần xử phạt nghiêm ra sao. Cùng với đó, trong công tác tuyên truyền, hình thức cần thay đổi, phát huy hơn vai trò của các đoàn thể; trong đó đánh giá các mô hình đã đăng ký thì kết quả triển khai thế nào. Ngoài ra, trong công tác sắp xếp bộ máy có lực lượngThanh tra chuyên ngành thực phẩm cũng cần được đánh giá xem có khó khăn gì, chính sách với các cán bộ này, trong đó nếu kiêm nhiệm thì sẽ khó toàn tâm toàn ý được.
“Sau phiên giải trình hôm nay, 1 năm nữa, HĐND TP sẽ giám sát trở lại vấn đề này với mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe của người dân Hà Nội”, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.