Mong muốn về xây dựng một thành phố gương mẫu
Khi mới giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội, hướng tới xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành một TP vững mạnh toàn diện. Người căn dặn Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội phải có trách nhiệm: “Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp phồn thịnh và trở nên một TP gương mẫu cho cả nước”.
Một trong những công việc quan trọng hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng bộ Hà Nội là phải quan tâm công tác cán bộ. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ TP Hà Nội (25/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc nhở: “Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên CNXH, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nhiệm vụ cơ bản nhất của Đảng bộ Hà Nội là khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống và sinh hoạt; từ đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động. Người nhắc nhở, Đảng bộ Hà Nội cần chú ý làm tốt vai trò lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực công tác như công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo đó, Đảng bộ phải mạnh và muốn mạnh thì các chi bộ phải mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu. Tất cả các chi bộ nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi.
Để Hà Nội trở thành một TP gương mẫu, “Thủ đô trong sạch về tinh thần và vật chất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng bộ Hà Nội phải biết dựa vào dân, huy động nguồn lực từ Nhân dân, phải đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân. Không chỉ nêu lên những định hướng lớn với Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến nhiều vấn đề cụ thể như vệ sinh môi trường, đường phố, đặt tên phố, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu... Hàng tháng, ít nhất một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình và thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành.
Thực hiện lời Bác dặn
Với Nhân dân Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm trìu mến, sự quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin vào khả năng to lớn của các tầng lớp Nhân dân. Từ Tết Ất Mùi (1955), gần như năm nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Sống và làm việc tại Thủ đô trong một thời gian dài, nên Người có điều kiện đi đến nhiều nơi, các cơ sở, bệnh viện, nhà máy, trường học, đơn vị bộ đội; trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân Hà Nội. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, có 173 điểm di tích ở nội thành và 44 điểm di tích ở ngoại thành từng ghi dấu tình cảm và kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Thủ đô.
Thực hiện những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 65 năm qua, kể từ ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, cố gắng vươn lên, từng bước trở thành TP gương mẫu về nhiều mặt. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực sự trở thành TP gương mẫu trên nhiều phương diện.