Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Hà Nội luôn quan tâm để xử lý kịp thời các vấn đề “nóng”

Công Thọ - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số ĐB Quốc hội đoàn Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại 2 quận (Hoàn Kiếm và Ba Đình), để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trả lời một số kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Hoàn Kiếm
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, trước các kiến nghị thuộc thẩm quyền của TP, trong đó có vấn đề về 57 biệt thự tại xã Vân Hòa, xã Yên Bài (huyện Ba Vì), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đầu năm 2016, TP đã giao Thanh tra TP để thanh tra toàn bộ việc sử dụng đất tại hai xã này.
Đến ngày 8/8/2016, Thanh tra TP đã có Kết luận số 2309 về các nội dung sai phạm. Qua sơ bộ xác định, từ năm 2003 - 2010 đã có sự mua bán, chuyển đổi với một số cá nhân có đất nông nghiệp tại 2 xã. Sau khi mua bán xong từ năm 2010 - 2015 đã mua bán, xây dựng 57 biệt thự tại đây và có mua đi bán lại cho nhiều người.
Trên cơ sở kết luận này, TP đã tiến hành kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Theo đó, đã kỷ luật một Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa và cảnh cáo đối với Chủ tịch UBND xã Yên Bài. Đồng thời, xử lý 10 cán bộ, thanh tra xây dựng của 2 xã này. Đối với vấn đề xử lý 57 biệt thự vi phạm, trên cơ sở thực trạng, TP giao Sở TM&MT cùng Phòng TN&MT huyện Ba Vì làm rõ quá trình mua bán, chuyển đổi của các cá nhân. Do liên quan nhiều cá nhân nên từ cuối năm 2016 đến nay mới làm rõ được quá trình mua bán.
Theo đó, tại đây có 2 loại đất (đất lâm nghiệp giao cho các hộ dân và đất nông nghiệp vi phạm rìa rừng phòng hộ của Ba Vì). Trên tinh thần đó, đối với biệt thự xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, TP sẽ tiến hành cưỡng chế để phá dỡ; còn những biệt thự xây trên đất nông nghiệp mà phù hợp với Luật đất đai và được phép mua bán, chuyển đổi thì TP sẽ họp với Bộ TN&MT nếu thấy phù hợp cho phép được chuyển đổi theo tinh thần Luật Đất đai 2013.
Đối với vi phạm trật tự tại mương Phan Kế Bính, từ 2008 TP có chủ trương kêu gọi xã hội hóa đối với việc kêu gọi tư nhân bỏ tiền cống hóa các mương để phục vụ làm bãi đỗ xe. Trên cơ sở đề nghị của Công ty Đa quốc gia, TP đã đồng ý chủ trương cho công ty này thực hiện việc cống hóa mương Phan Kế Bính để làm bãi đỗ xe (trong đó có 20% diện tích làm nhà điều hành). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty này đã làm sai các chủ trương của TP.
Vì vậy, cuối năm 2016, TP đã cho thanh tra. Đến tháng 8/2017 đã báo cáo Chính phủ và xác định có 4 sai phạm gồm: Xây dựng sai phép một số nhà điều hành để sử dụng sai phép để làm nhà hàng bán hải sản; xây cao hơn so với giấy phép xây dựng; chuyển đổi một số ki-ốt cho các cá nhân khác; xin mở rộng đăng ký kinh doanh sang lĩnh vực khác không được TP cho phép; lấn chiếm ra ngoài diện tích mương được TP bàn giao.
Từ những sai phạm trên, thời gian vừa qua TP đã tiến hành kiểm điểm, xử lý đối với Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình và thanh tra xây dựng của phường. Giao cho quận Ba Đình cưỡng chế toàn bộ các ki-ốt mua đi bán lại. Đối với vấn đề công ty xin mở rộng mục đích kinh doanh, TP đang xem xét để rút giấy phép kinh doanh của công ty và sẽ tiến hành đóng cửa nhà hàng. Đồng thời, yêu cầu công ty thực hiện lại theo đúng nguyên trạng. Bên cạnh đó, TP sẽ thu hồi lại toàn bộ mương Phan Kế Bính và tạo lập dự án để mở đường thông từ Liễu Giai ra đến đường Bưởi.
Đối với vấn đề triển khai chương trình “Sữa học đường”, người đứng đầu UBND TP cho biết, theo Quyết định 1304 ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình “Sữa học đường” nhằm cải thiện chất dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe cho các trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học. Trên cơ sở thực hiện theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo Thường trực Thành ủy. Từ đó, đã xây dựng kế hoạch, chương trình “Sữa học đường” cho TP Hà Nội và trình HĐND trong tháng 7/2018. Trên cơ sở đó, HĐND TP đã ra Nghị quyết 06 ngày 5/7/2018 về việc phê duyệt chương trình “Sữa học đường” trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo nghị quyết này, từ 1/8/2018 - 31/12/2020, TP Hà Nội sẽ chi khoảng 1.298 tỷ đồng để cùng các công ty sữa cũng như phụ huynh xây dựng chương trình “Sữa học đường” cung cấp sữa cho cháu mẫu giáo, tiểu học. UBND TP đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và giao cho Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý làm Trưởng Ban chỉ đạo cùng với các sở, ngành liên quan để cùng Bộ Y tế thống nhất các tiêu chuẩn dinh dưỡng của các loại sữa để phù hợp với các lứa tuổi. Đồng thời, sắp tới sẽ mở thầu để tìm các công ty sữa đáp ứng được yêu cầu.
Trong quá trình thực hiện, TP giao Sở GD&ĐT lấy ý kiến của các bậc phụ huynh. Đồng thời, đều mời phụ huynh học sinh tham gia vào quá trình giám sát xây dựng tiêu chuẩn sữa cũng như toàn bộ quá trình xây dựng hồ sơ đấu thầu. Tới đây, quá trình mở thầu và cung cấp sữa đều có sự tham gia giám sát của phụ huynh học sinh các trường để việc cung cấp sữa đảm bảo đúng, đủ. Đặc biệt, đảm bảo đúng chất lượng sữa và luôn coi trọng chất lượng sữa, giá cả tốt nhất cho chương trình.

Chuyên gia đánh giá dự án buýt nhanh BRT hiệu quả

Chiều ngày 8/10, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, tổ đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải đáp một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến hiệu quả của xe buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa và việc quy hoạch, xây dựng nhà cao tầng trong các quận nội thành.

Về hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh, Chủ tịch cho biết, từ khi đi vào hoạt động, đến nay đạt 52% người sử dụng so với yêu cầu. So sánh với các tuyến BRT do Ngân hàng thế giới (WB) đầu tư tại các nước trong khu vực và trên thế giới, các chuyên gia của WB đánh giá tuyến BRT ở Hà Nội là một trong những dự án có hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, để nâng tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt nhanh, thì cần phải kết nối hiệu quả với các tuyến xe buýt khác và kết nối với đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hà Nội cũng đang tìm các giải nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BRT.

Xung quanh vấn đề quy hoạch, xây dựng nhà cao tầng, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tháng 5/2016, TP đã ban hành quy chế xây dựng nhà cao tầng trong nội đô lịch sử. Căn cứ vào quy chế này, tất cả các tuyến đường đều quy định rất rõ chiều cao, mật độ công trình.

Trong những năm qua, TP Hà Nội cũng tập trung vào việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Trong đó có việc sắp xếp lại đội ngũ thanh tra xây dựng, tỉ lệ cấp phép xây dựng tăng lên 98,6%. Vì vậy, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm rõ rệt.

Theo Chủ tịch, TP phát triển nhà cao tầng đúng theo quy hoạch, đúng theo định hướng, đáp ứng nhu cầu dân số ngày một đông. Cụ thể, dân số của Hà Nội tính trong 10 năm qua tăng thêm 1,4 triệu người (từ 6,2 triệu lên 7,6 triệu người), bình quân mỗi năm tăng 140.000 người.

Theo Chủ tịch, việc Hà Nội phát triển nhà cao tầng đúng theo quy hoạch và định hướng của TP, phù hợp với xu thế chung của các đô thị trên thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà cao tầng đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tuy nhiên, nguồn lực của Hà Nội còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, các phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng, dẫn đến giao thông quá tải. TP thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, TP có những giải pháp giảm ùn tắc giao thông.

Tại đây, Chủ tịch cũng so sánh sự phát triển nhà cao tầng ở Singapore. Cụ thể, Singapore chỉ rộng khoảng gần 700 km2 (Hà Nội 3.358 km2), nhưng có tới 6.400 tòa nhà cao từ 20 tầng trở lên.

Singapore có chính sách sẽ đạp bỏ các nhà cao dưới 20 tầng; Chính phủ cũng khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật, lãi suất cho các công ty, tập đoàn xây nhà cao tầng hoặc xây nhiều tầng hầm. “Đó là xu hướng chúng tôi nghĩ thời gian tới TP sẽ nghiên cứu làm sao cho phù hợp, cùng với đẩy nhanh tốc đầu tư công trình giao thông, hệ thống tàu điện, xe buýt”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói thêm.