Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn cử tri đã nêu những ý kiến, kiến nghị tâm huyết, trách nhiệm cao về các nội dung hết sức quan trọng, bức thiết.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét, xử lý kịp thời.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Các cử tri Lê Viết Hải (Phường 15, Quận 4), Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé, Quận 1) quan tâm tới vấn đề tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, minh bạch tài sản của cán bộ trong các cơ quan chính quyền, nhất là một số vụ việc gần đây được dư luận quan tâm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh; luôn quan tâm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, so với mong muốn, còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa. Tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay còn phổ biến, có nguy cơ lan rộng, rất nghiêm trọng, gây bức xúc.
Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương họp thường xuyên, lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại địa phương.
Các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt. Tư tưởng chỉ đạo là phải triển khai đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.
Phải gắn kết chặt chẽ cuộc đấu tranh này với các cuộc vận động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”
Cùng với đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tới việc đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò nêu gương, gưỡng mẫu đi đầu của người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng đơn vị trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Hơn ai hết những người lãnh đạo, chỉ huy phải nói không với tham nhũng. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải chú trọng cả xây và chống. Đi liền với việc bổ sung, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giáo dục, phải xử lý, xử phạt nghiêm minh, đủ mức răn đe các đối tượng tham nhũng để các đối tượng khác không thể, không dám tham nhũng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tới yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
“Phải kịp thời thanh tra, kiểm tra và kết luận các vụ việc gây bức xúc trong dư luận gần đây ở một số địa phương và thông tin kịp thời cho nhân dân. Vụ việc nào có đủ bằng chứng vi phạm phải kiên quyết khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trường hợp nào còn có thông tin chưa chính xác cũng phải kịp thời thông tin. Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành một số quy định mới, trong đó ngoài việc kê khai tài sản, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm góp phần phát hiện và phòng ngừa tham nhũng,” Chủ tịch nước nêu rõ.
Cử tri Dương Xuân Biển (Phường 6, Quận 4) đề nghị được thông tin thêm về việc xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài của Bộ Công Thương, việc làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Bộ Chính trị đã có kết luận chỉ đạo việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Theo đó, trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh quan điểm kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án này.
“Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán và báo cáo rà soát pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất đồng phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục; thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước cũng như đối với nền kinh tế nói chung”, Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tới yêu cầu bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an sinh-xã hội, quốc phòng-an ninh, môi trường và ổn định xã hội; hết sức lưu ý khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý và điều hành đối với doanh nghiệp Nhà nước như thời gian qua.
Các cử tri Đặng Thanh Bình (phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Phường 8, quận 4) bày tỏ kiến nghị về việc ngừng xuất khẩu cát, vì thực tế hiện nay giá cát xuất khẩu thấp hơn rất nhiều so với giá cát bán trong nước; cùng với đó là những quan ngại về nạn khai thác trái phép tài nguyên, hủy hoại môi trường.
Đồng tình với kiến nghị này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Chính phủ vừa qua đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc dừng tất cả hợp đồng xuất khẩu cát, dừng các hợp đồng khai thác cát từ đó rà soát nghiêm minh các dự án khai thác trái phép, kiên quyết xử lý vi phạm nhằm bảo vệ môi trường.
Để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu xây dựng trong nước, Chính phủ đã điều chỉnh, xem xét cho phép tiếp tục triển khai các dự án khai thác theo đúng quy hoạch, kế hoạch.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Việc khai thác lợi thế về tài nguyên là để phục vụ mục tiêu phát triển, nhưng phải đi liền với sử dụng hiệu quả tài nguyên khai thác, bảo vệ môi trường sinh thái.
“Chúng ta đề ra chủ trương lớn, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển đất nước đó là xây dựng phải đi liền với bảo vệ môi trường. Chúng ta không đánh đổi bất cứ giá nào cho vấn đề môi trường sinh thái,” Chủ tịch nước khẳng định.
Cử tri Phan Văn Thân (phường 2, Quận 4) nêu mối quan ngại trước thực tế người nông dân ở nhiều vùng sản xuất gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá thịt lợn, trứng gà, chuối, ổi bán ra thị trường quá rẻ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người nuôi trồng, dẫn đến khả năng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, người nông dân không tha thiết làm nông nghiệp.
Trước vấn đề này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, điều quan trọng cốt lõi là phải có quy hoạch để cân đối cung cầu, chứ không thể làm tùy hứng. Các cơ quan chức năng, kể cả chính quyền đị phương, cần phải tăng cường cung cấp thông tin cho bà con nông dân; phối hợp giữa nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp nhằm tạo chuỗi giá trị hàng hóa cho sản phẩm của nông dân, để bà con có thể tiêu thụ được sản phẩm với giá trị cao, đảm bảo được cuộc sống.
Cử tri Nguyễn Trương Thanh Thảo (Phường 9, Quận 4) nêu ý kiến, hiện nay pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng, chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em...
Cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự theo quy định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin vụ việc xâm hại tình dục trẻ em một cách khách quan, đảm bảo quyền nhân thân, bí mật cá nhân, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của nạn nhân và người thân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trẻ em là tương lai của đất nước. Toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Tất cả các hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ em cần phải bị lên án, xử lý nghiêm minh. Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Xã hội cần phải dấy lên phong trào lên án hành vi này; đồng thời phải tăng cường công tác giáo dục trong cộng đồng, giáo dục trẻ em ý thức tự bảo vệ đề phòng ngừa các hành vi xâm hại.
Hiện nay, quá trình điều tra, xử lý hành vi này còn gặp một số khó khăn, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu khắc phục với tinh thần kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Công tác thông tin tuyên truyền lên án hành vi xâm hai tình dục trẻ em cần phải quan tâm bảo vệ quyền lợi, lợi ích, nhân phẩm, danh dự cho trẻ em.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời ý kiến của nhiều cử tri khác liên quan đến các vấn đề lập lại trật tự đô thị, quản lý vỉa hè, lòng đường, xây dựng các tuyến phố đi bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bình xét gia đình văn hóa, quản lý giá thuốc, tăng cường quản lý việc nhập khẩu máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu...