Sáng nay (18/4), tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 2 nhiệm kỳ 2014-2019. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, địa phương cùng 385 đại biểu đại diện cho hơn 9.000 luật sư trong cả nước.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập vào ngày 12/5/2009. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ luật sư Việt Nam.
Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn để xây dựng và phát triển. Từ hơn 5.300 luật sư khi mới thành lập liên đoàn, đến nay đã có hơn 9.000 luật sư và 63 Đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Liên đoàn luật sư Việt Nam đã phối hợp với TAND, VKSND và Bộ Công an tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, tôn trọng và bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sự; vai trò của tổ chức luật sư trong việc quản lý, tập hợp, đoàn kết, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đội ngũ luật sư ngày càng được nâng cao; thực hiện có hiệu quả chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự và cung cấp các dịch vụ pháp lý cho xã hội; hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và diện chính sách được tăng cường; các luật sư đã tham gia tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, xây dựng luật pháp, tư vấn các giao dịch quốc tế quan trọng. Đặc biệt là những hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông..
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những kết quả đã đạt được của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ qua, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, thách thức đặt ra đó là tỷ lệ luật sư trên dân số vẫn còn ở mức thấp trên thế giới mới đạt 1 luật sư/11.000 dân; chất lượng hoạt động của luật sư chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về tố tụng và tư vấn pháp luật theo yêu cầu cải cách tư pháp; cá biệt còn một số ít luật sư nhận thức về chính trị còn lệch lạc, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chưa gương mẫu chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước với luật sư cũng còn nhiều hạn chế, một số địa phương chưa thực hiện đúng nội dung, tinh thần Chỉ thị 33/CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư cũng như các quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư…
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định mục tiêu "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc". Hiến Pháp 2013 cũng ghi nhận "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo" và "quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm". Đây chính là những định hướng và căn cứ pháp lý quan trọng để phát triển nghề luật sư ở Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần đoàn kết nỗ lực hơn nữa nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức từ Trung ương đến địa phương; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; thực hiện tốt chế độ tự quản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động; đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư. Mỗi luật sư cần phải tự giác rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu tuân thủ pháp luật, không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghề nghiệp để trở thành luật sư giỏi, có uy tín cao, đáp ứng yêu cầu của đất nước, ngang tầm với các luật sư trên thế giới, có đủ năng lực tham gia vào các tổ chức quốc tế và giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế.".
Chủ tịch nước cũng lưu ý Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần nghiên cứu đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện luật pháp, góp phần tạo hành lang pháp lý, thuận lợi cho luật sư, tổ chức luật sư hoạt động, xây dựng cơ chế để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại tòa, phát huy vai trò của luật sư từ giai đoạn điều tra nhằm bảo đảm cho mọi công dân có nhu cầu đều được luật sư trợ giúp pháp lý và được bào chữa khi bị xét xử về hình sự; đồng thời Liên đoàn cần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và giới luật sư; đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới luật sư; bảo đảm các hoạt động của luật sư thực hiện đúng đường lối; quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với các tổ chức luật sư trong khu vực và trên thế giới.
Chúc Đại hội thành công, Chủ tịch nước tin tưởng rằng thành công của Đại hội nhiệm kỳ 2 sẽ góp phần quan trọng khẳng định vai trò, vị trí, sự trưởng thành của đội ngũ luật sư Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo hội nghị.
|
|