Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ bắt đầu từ năm 1996, được tiếp tục vào các năm 2000, 2005, 2010. Năm 2016 là đợt xét tặng lần thứ 5; có 9 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 7 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự lễ và trao Bằng chứng nhận Giải thưởng cho các nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả của các công trình, cụm công trình được tặng giải thưởng.
Dự lễ trao giải có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả của các công trình, cụm công trình được tặng giải thưởng; đại diện cán bộ nghiên cứu, quản lý từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong cả nước...
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ là những giải thưởng cao quý nhất, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh và trao tặng các nhà khoa học, tác giả của các công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết đợt xét tặng thứ năm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Trong số 95 công trình đăng ký xét tặng, có 27 công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 68 công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng sâu rộng và sự lan tỏa của giải thưởng đối với cộng đồng các nhà khoa học.
Các công trình được đề xuất đều là các công trình có hàm lượng khoa học lớn và có những đóng góp tích cực vào thực tiễn xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng tại Việt Nam cũng như góp phần chung cho sự phát triển của thế giới.
Đặc biệt, đợt xét tặng này là lần đầu tiên áp dụng Nghị định số 78 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, với những tiêu chí đòi hỏi rất cao về cả giá trị khoa học, công nghệ và hiệu quả tác động kinh tế-xã hội. Các công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ thực sự là các công trình xứng đáng và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền khoa học và kinh tế đất nước.
Có thể kể đến một số công trình, cụm công trình tiêu biểu, như “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” (Giải thưởng Hồ Chí Minh); “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” (Giải thưởng Hồ Chí Minh); “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu” (Giải thưởng Nhà nước)...
Khoa học và Công nghệ được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, coi đó là đòn bẩy thúc đẩy xã hội phát triển vững chắc và giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ coi đây vừa là niềm tự hào và cũng là một nhiệm vụ hết sức to lớn mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, cùng với sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự sát cánh của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, thì sự nỗ lực, cống hiến của các nhà khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh phát triển khoa học và công nghệ là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước. Cùng với giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là điều kiện quan trọng để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới mặc dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, tâm huyết, say mê, sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, sự cố gắng của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, khoa học và công nghệ nước nhà đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng lên; hệ thống pháp luật, quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được đổi mới, hòa nhịp với sự đổi mới về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...
Thị trường khoa học và công nghệ được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng lực và trình độ khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực. Đặc biệt, thời gian gần đây, những thành tựu khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra trong hầu hết các lĩnh vực phát triển; một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn đã đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và biểu dương những thành tựu to lớn mà đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua; nhiệt liệt chúc mừng các nhà khoa học, các tập thể khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ có công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ lần này.
Các công trình được tặng giải thưởng là những công trình xuất sắc, tiêu biểu, được ứng dụng hiệu quả nhất, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế, trình độ khoa học và công nghệ của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chỉ rõ đứng trước những khó khăn, thách thức đan xen cùng thời cơ, vận hội của đất nước, để thực hiện mục tiêu “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra phải cần phát huy cao độ mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ nói riêng.
Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học, thông minh, sáng tạo của cha ông, nỗ lực phấn đấu, vươn lên trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến ở khu vực và trên thế giới, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ban, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Đi cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi, điều kiện tinh thần và vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình./.