Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội: “Bày thêm thủ tục thì doanh nghiệp sống sao nổi“

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, quản lý trang thiết bị y tế mà phát sinh thủ tục, phí thì doanh nghiệp và bệnh nhân sẽ khổ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế là cấp thiết bởi hiện còn thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề phát sinh và các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh, sử dụng thiết bị y tế, làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh là quản lý thiết bị từ khâu sản xuất, kinh doanh, lưu hành, nhập khẩu đến sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn ở tất cả các cơ sở y tế công và tư sẽ quá rộng nên cần thu gọn lại cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành y tế.

"Quản lý được giá, chất lượng cho dân nhờ"

Thảo luận về dự thảo Nghị định, sáng 17/9, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng nội dung dự thảo liên quan đến hơn 10 luật nên cần nghiên cứu thu hẹp phạm vi và nên theo hướng quy định quản lý những thiết bị đã có, tức trang thiết bị vào sử dụng là phải quản lý còn buôn bán, sản xuất thế nào thì văn bản khác quy định.

Nhấn mạnh tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng Hiến pháp ghi nhận quyền tự do kinh doanh nên Nghị định này chỉ nên ban hành điều kiện kinh doanh, mở rộng sẽ phá vỡ hết các luật, cản trở kinh doanh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh mục đích ra Nghị định là để quản lý chất lượng trang thiết bị y tế vì liên quan đến khám chữa bệnh, điều trị, sức khoẻ của người dân nên nội dung quy định cần tập trung, tránh tình trạng gây thêm phiền hà về thủ tục hành chính mà cũng không quản lý được.

“Dự thảo rất hoành tráng, tới 11 chương và 78 điều, trong đó khoảng 44 điều liên quan hành chính và thủ tục giấy tờ. Liệu rằng với bộ máy của Bộ Y tế, Sở Y tế hiện tại có đảm đương nổi khi nghị định này ra đời? Rất nhiều điều kiện và nhiều điểm còn nhiêu khê hơn Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc nhập vào hay sản xuất thiết bị y tế thì ai dùng phải kiểm tra cho chặt. Máy móc của nhiều bệnh viện hiện rất hiện đại nhưng vẫn có tình trạng nhập máy cũ, kém chất lượng thì phải làm sao quản lý được để giá phải chăng, chất lượng đảm bảo.

Quy định thế này thì doanh nghiệp “cựa quậy” thế nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng xây dựng Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế cần theo tư duy những vấn đề mà các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh, Luật Quảng cáo... chưa quy định cụ thể thì đưa vào trên cơ sở không trái luật, còn cái gì luật đã có thì không thêm vào dự thảo.

Ông Uông Chu Lưu cũng đề nghị rà soát thủ tục hành chính để tránh gây tiêu cực, cản trở, gây phiên hà cho người dân, tổ chức kinh doanh dịch vụ, trang thiết bị y tế.

Đồng tình với đánh giá tình hình quản lý trang thiết bị y tế còn lỏng lẻo nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quy định như dự thảo sẽ gay go.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
“Làm như thế này người ta cựa quậy thế nào, rồi có khi hàng lậu lại vào. Quy định như dự thảo thì trang thiết bị y tế nước ta sẽ hụt. Ngành y tế có bài học rồi, vấn đề sôi động cả nghị trường như giá thuốc trước đây chỉ cho mấy anh nhập rồi khi mở ra giá thuốc xuống ngay”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đặt vấn đề: Quy định như dự thảo thì ngành y tế có đủ sức làm không? Thuốc đã bao chuyện rồi, bệnh viện, bác sĩ trở thành anh tiếp thị cho anh bán thuốc rồi. Giờ làm trang thiết bị này thì phải đến Sở, Bộ hết thì có dẫn đến tiêu cực không? Do đó cần đánh giá tác động.

Luật đã quy định mọi người tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm và kinh doanh trang thiết bị y tế là có điều kiện nên điều kiện gì phải quy định cụ thể để người dân làm đúng luật, thuận lợi.

“Điều kiện gì thì ghi vào chứ không phải đụng cái phải xin phép, nộp phí. Cuối cùng đổ lên đầu bệnh nhân hết, đáng 100.000 đồng phải trả 300.000 đồng vì giá máy móc đắt lên và rồi Nhà nước cũng thiệt. Tôi nhấn mạnh chả có đồng phí nào ở đây hết vì có trong luật hết, giá cả thì thị trường chứ không bày thêm. Nên làm nghị định điều kiện thôi. Quy định không chặt rồi sau này Sở đến kiểm tra, cán bộ đến cho vài điều kiện nữa thì doanh nghiệp sống sao nổi?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi với đại diện lãnh đạo Bộ Y tế.