Tại TP Saint Petersburg, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Lễ khai mạc Đại hội đồng IPU-137; dự Phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng IPU-137 với chủ đề “Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc” và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp này.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Đại hội đồng IPU-137 tại Liên bang Nga. |
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, đói nghèo, chủ nghĩa khủng bố, an ninh phi truyền thống, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo… Ở một số nơi trên trái đất, đạn, bom vẫn nổ, bạo lực gia tăng, các công trình văn hóa bị hủy hoại, niềm tin tôn giáo bị xâm hại, hòa bình, an ninh trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực tiễn cho thấy, súng đạn, chiến tranh, bạo lực không thể giải quyết các vấn đề xung đột trong thế giới. Chỉ có lòng khoan dung, sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đưa lại hòa bình và bình yên cho thế giới.
Để thúc đẩy đa dạng văn hóa thông qua đối thoại hòa bình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, IPU tiếp tục khuyến khích các nghị viện thành viên tích cực xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho quyền bình đẳng của các dân tộc, các tôn giáo trước pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ vững chắc, phát huy văn hóa dân tộc, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, xử lý hài hòa lợi ích của người dân, của cộng đồng với lợi ích của đất nước trong sự phát triển. Tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi thành phần xã hội từ các dân tộc, tôn giáo, các nền văn hóa khác nhau, qua đó sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tích cực rà soát, xóa bỏ các điều luật, các quy định mang tính phân biệt đối xử, bảo đảm sự tham gia của các thành phần xã hội vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Khuyến khích các quốc gia xây dựng các tiêu chí đánh giá về hiệu quả chính sách pháp luật đối với các nhóm dân tộc, sắc tộc và các tôn giáo nhằm bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, truyền bá sâu rộng tư tưởng khoan dung, tinh thần hợp tác, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, tăng cường trao đổi hợp tác song phương, đa phương giữa các nước, các nghị viện trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, dân tộc; cùng triển khai những dự án hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của những cuộc đối thoại đa văn hóa, đa tôn giáo trên toàn thế giới; nâng cao hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu vì hòa bình và phát triển. IPU tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ chế của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế với các Nghị viện thành viên trong việc thúc đẩy sáng kiến, hành động của các nhà lập pháp vì hòa bình, hợp tác và đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới.
Bên lề Đại hội đồng IPU-137, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp Chủ tịch IPU Saber Chowdhury; tiếp Phó Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Trường Bình; hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-Kyun và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Ardeshir Larijani...