Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung: Hà Nội cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp vượt bão Covid-19

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với DN ngày 9/5/2020, Hà Nội cam kết tiếp tục đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần quyết liệt như phòng, chống dịch bệnh.

Những con số biết nói
Cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xác định là điểm đột phá của TP Hà Nội giai đoạn 5 năm qua. Chương trình của Thành ủy, hay các kế hoạch hành động, chỉ thị của UBND TP đều thể hiện quyết tâm rất rõ, đó là xây dựng Chính quyền phục vụ, lấy DN và người dân làm trung tâm. Kết quả cho thấy, các chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 của Hà Nội tiếp tục duy trì xếp hạng khá.
Cụ thể, Chỉ số PAR Index 2019 của Hà Nội đạt 84,64%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số này của Hà Nội duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP. Bên cạnh đó, Chỉ số PCI 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, TP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung dự Lễ động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh do Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư.
Cần nói thêm, trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012 đến nay, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm. Trong 8/10 chỉ số tăng hạng so với năm ngoái, PCI năm 2019 của Hà Nội có 3 chỉ số thành phần trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Đáng lưu ý, chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ DN” xếp thứ 4/63.
Nhìn vào con số về DN thành lập mới cũng như vốn thu hút đầu tư của Hà Nội cũng có thể thấy niềm tin của các nhà đầu tư, DN với Hà Nội ngày càng tăng lên. Từ năm 2016 đến đầu tháng 5/2020, TP có hơn 107,2 nghìn DN thành lập mới với số vốn điều lệ khoảng hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Con số này tăng gấp 1,36 lần về số lượng DN thành lập mới so với giai đoạn trước, tốc độ tăng trung bình là 9,6%/năm. Lần đầu tiên sau gần 35 năm đổi mới, trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI khi con số này đạt hơn 23,7 tỷ USD, gấp 3,97 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Đồng hành cùng doanh nghiệp “vượt bão” đại dịch
Không chỉ được thể hiện qua những con số xếp hạng hay chỉ số thành phần, những nỗ lực của TP Hà Nội còn được thể hiện qua chính sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và sát sao của lãnh đạo TP. Trong nhiều cuộc làm việc với các cấp, ở quy mô khác nhau, dù đối nội hay đối ngoại, thông điệp về đơn giản hóa, cải cách TTHC để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN luôn được lãnh đạo TP Hà Nội nhắc đến. Đây được coi là một trong những giải pháp cốt yếu để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, giúp DN phát triển và thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Điển hình trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ngoài việc dồn lực để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, cả hệ thống chính trị của TP cũng “xắn tay áo” để cùng các DN tìm giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ tối đa cho DN sản xuất, kinh doanh ứng phó đại dịch. Nhiều lần tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các cấp phải đơn giản hóa, rút ngắn TTHC, vừa bảo đảm đúng quy định, vừa hạn chế tối đa việc DN phải đi lại nhiều lần, khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC. Thậm chí, người đứng đầu chính quyền Hà Nội còn “chỉ mặt, điểm tên” những đơn vị còn tình trạng “om hồ sơ”, “đá trách nhiệm” và yêu cầu phải chấn chỉnh ngay lập tức.
Thành công bước đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam, cũng như Hà Nội không chỉ được người dân ghi nhận mà truyền thông nước ngoài, đại sứ, trưởng đại diện tổ chức của các nước tại Việt Nam ca ngợi và bày tỏ khâm phục. Ông Akira Shimizu - Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đánh giá cao việc Hà Nội không những kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn tạo điều kiện cho hoạt động của các công trường, trong đó có dự án của JICA bảo đảm đúng tiến độ. Đây là điều rất khác biệt so với sự đình trệ do đại dịch của một số dự án JICA tại các quốc gia khác trên thế giới.
Tăng tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, qua thực tiễn triển khai công tác CCHC, TP rút ra kinh nghiệm là luôn bám sát các chương trình, kế hoạch của T.Ư; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch của TP, với yêu cầu, chỉ tiêu bằng hoặc cao hơn Chính phủ đề ra.
Đặc biệt, trong mỗi giai đoạn, Hà Nội đều lựa chọn một hoặc một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, nổi bật với những giải pháp, sáng kiến trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhất là kiểm tra việc công khai, tiếp nhận và giải quyết TTHC. Đồng thời, chú trọng đến thái độ giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Dù đã đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, song TP còn rất nhiều dư địa cho CCHC, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là tiếp tục CCHC sâu rộng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho DN, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể hóa quyết tâm bằng hành động
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội phấn đấu mục tiêu phát triển kinh tế với mức cao hơn 1,3 lần so với mức tăng trưởng chung cả nước. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 2/2020, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND TP thành lập tổ công tác cập nhật thường xuyên tình hình, xây dựng 3 kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm ưu tiên cho y tế, an sinh xã hội, giáo dục, an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, xây dựng đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế. Ngày 16/4, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy cùng các lãnh đạo TP trực tiếp gặp gỡ 100 DN đại diện cho cộng đồng DN Thủ đô để nghe kiến nghị và giải quyết khó khăn.
Chủ tịch UBND TP cũng nêu, từ tháng 2 đến nay, Hà Nội đã chuyển 1.020 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội và cam kết sẽ tiếp tục chuyển nguồn tài chính này để hỗ trợ DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh vay phát triển sản xuất với lãi suất bằng 0%, nhất là trong lĩnh vực tài đầu tư phát triển đàn lợn, gia súc gia cầm, tái cơ cấu đưa kỹ thuật cao vào phát triển công nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội cam kết tiếp tục đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần quyết liệt như phòng chống dịch bệnh, triển khai thực hiện các nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó trọng tâm là hỗ trợ khuyến khích DN đổi mới công nghệ đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu. TP sẽ phối hợp với cộng đồng DN và các tỉnh, TP kết nối cung cầu; tổ chức tháng khuyến mại nhằm kích thích tiêu dùng nội địa; đồng thời kích cầu du lịch nội địa.

Từ cuối năm 2017, Hà Nội đã đạt và hiện nay đang duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Mô hình “Cơ quan Đăng ký kinh doanh thân thiện”; tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ DN trong đăng ký kinh doanh để giảm thời gian khởi sự kinh doanh được triển khai tại Sở KH&ĐT. Về các cơ chế, chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, năm 2018, TP đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp; năm 2019, ban hành Đề án chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019 - 2025; khai trương và vận hành Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (startupcity.vn).


Đến nay việc cấp mã số DN tự động cho DN thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt trên 95%; trao đổi thông tin với DN 100% qua thư điện tử… Đối với lĩnh vực luôn được coi là rất khó ở Hà Nội như tiếp cận đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có nhiều cải cách thuận lợi cho DN và người dân. Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày.