Tại buổi tiếp xúc, đại diện Tổ đại biểu HĐND TP – Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn thông báo với cử tri dự kiến thời gian và nội dung họp thứ 15 HĐND TP khóa XV. Theo đó, thời gian tổ chức kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hà Nội, dự kiến diễn ra từ ngày 06/7 đến ngày 10/7/2020. Tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét 12 báo cáo, 1 nghị quyết thường kỳ và 17 nghị quyết chuyên đề.
Kỳ họp cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu HĐND Thành phố và đông đảo cử tri Thủ đô quan tâm.
Cử tri mong muốn sớm hoàn thành cột mốc số 0 tại bờ Hồ Gươm
Tại buổi tiếp xúc, các cử trị đều bày tỏ vui mừng trước kết quả phòng chống dịch Covid-19 nước ta đã đạt được, trong đó, Hà Nội với vai trò trung tâm về giao thông, kinh tế, chính trị... có nguy cơ rất cao nhưng từng bước đẩy lùi được đại dịch.
Có được kết quả đó, bên cạnh sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ còn có sự làm việc hiệu quả của lãnh đạo Thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống Covid của Hà Nội cũng như mỗi người dân nghiêm túc chấp hành quy định phòng chống dịch.
Các cử tri cũng mong muốn Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thành phố tiếp tục các biện pháp phòng chống, giữ thành quả, không để dịch lây lan trở lại.
Cũng tại buổi tiếp, cử tri Nguyễn Tiến Trụ (Phường Hàng Buồm) nhận xét không gian phố đi bộ, xung quanh hồ Hoàn Kiếm được chỉnh trang đẹp, cử tri ủng và nhân dân quận ủng hộ. Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm đang triển khai xây dựng cột mốc số 0 tại không gian hồ Gươm, đây là việc cần thiết, nhân dân chờ đợi.
Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nêu vấn đề, việc thực hiện không gian đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm sau gần 3 năm thí điểm cho đến đầu năm 2020 chính thức đi vào hoạt động, nhưng đến nay vẫn không có một Quy chế hoạt động chính thức gây khó khăn cho chính quyền và các lực lượng chức năng quận trong việc quản lý.
Cùng với đó, thành phố đã có chủ trương đầu tư mở nút giao thông ngang đê ra Chương Dương thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm để giảm ùn tắc giao thông, tuy nhiên người dân chờ đợi dự án quá lâu, đề nghị thành phố cho biết đến bao giờ dự án mới được khởi công.
Chủ tịch UBND TP cùng Tổ đại biểu HĐND TP ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 15 HĐND TP khóa XV. |
Cử tri Nguyễn Thành Hưng (phường Hàng Đào) cho biết, quận Hoàn Kiếm đã có hơn 1.000 hộ làm hồ sơ đề nghị mua nhà theo Nghị định 61/CP trước đây (nay là Nghị định 99/CP), đến nay đã gần 5 năm vẫn không được giải quyết. Nhà cũ, kết cấu nhiều bằng gỗ, chật hẹp, chen chúc tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mùa mưa bão đến nhiều nhà có nguy cơ sập, đổ mà không được phép sửa chữa. Trước tình hình đó, cử tri đề nghị thành phố xem xét những hồ sơ đủ điều kiện thì giải quyết bán, những hồ sơ không đủ điều kiện công khai trả lời cho dân biết; đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho phép cải tạo, sửa chữa đối với những nhà trên địa bàn phường cổ, cũ, đã xuống cấp.
Cử tri Hưng cũng kiến nghị thành phố xem xét, điều chỉnh thời gian cho phép mở cửa hàng để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tăng thu, có điều kiện nộp thuế cho nhà nước (do ảnh hưởng dịch Covid-19, hiện nay các cửa hàng chỉ được phép mở cửa sau 9h hàng ngày để hạn chế tiếp xúc, giảm mật độ giao thông tại khu vực đô thị).
Bên cạnh đó, cử tri quận Hoàn Kiếm cũng đã nêu một số vấn đề còn tồn tại như: kiến nghị thành phố hoàn thành dứt điểm các công trình trọng điểm để đưa vào sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí; tăng cường giám sát việc mua các tài sản công, đặc biệt là các thiết bị y tế; tăng cường việc khảo sát cải tạo nâng cấp, lát đá vỉa hè để thi công đồng bộ; quan tâm đầu tư, nâng cấp trụ sở các cơ quan hành chính của quận Hoàn Kiếm hiện nay đang rất chật hẹp; đề nghị tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm về trật tự công cộng trong khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; việc buôn bán tại chợ Trời còn quản lý chưa chặt, đề nghị thành phố có phương án xóa bỏ….
Hà Nội sẽ tiếp nhận đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau khi được nghiệm thu
Phát biểu trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cảm ơn cử tri quận Hoàn Kiếm đã bày tỏ ý kiến tâm huyết, sâu sát, mang tính thời sự không chỉ ở địa bàn quận Hoàn Kiếm và cả người dân Thủ đô quan tâm.
Đối với việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu không có dịch Covid-19 thì việc chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã xong rồi và như vậy việc xây dựng quy chế sẽ đồng bộ hơn, do đó việc thẩm định quy chế có chậm lại.
Hiện quận Hoàn Kiếm đang gấp rút triển khai và sẽ hoàn thành việc cải tạo quanh hồ Hoàn Kiếm xong trước 2/9, là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố. Chủ tịch khẳng định: “Chúng tôi cam kết với cử tri là cùng với việc cải tạo xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ sớm ban hành quy chế này, trong đó có điều chỉnh một số hoạt động về văn hóa, vui chơi, điểm bán hàng, đặc biệt là sẽ cấm hoàn toàn các hành vi đi xe đạp trong khu vực đi bộ”.
Giải đáp vấn đề cử tri quan tâm về nút giao thông Chương Dương, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin, dự án này thành phố đã giao cho quận Hoàn Kiếm điều chỉnh lại phương án thiết kế nên dù có chậm lại nhưng sẽ phù hợp thực tế về mặt cảnh quan kiến trúc, không gian, tiết kiệm chi phí.
Về tiến độ giãn dân phố cổ, hiện đang chậm dự án thực hiện giãn dân, vừa qua UBND TP đã duyệt 20ha đất dự án, UBND quận Hoàn Kiếm lựa chọn chủ đầu tư để xây; thứ 2, đối với nhà tái định cư, TP chủ trương nâng mức tiền để người dân có thể dùng mua nhà, không cần chờ nhà tái định cư, khi đó tiến độ giãn dân phố cổ nhan hơn.
Về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Chủ tịch cho biết, vừa qua Thủ tướng giao cho bộ Giao thông Vận tải xong trong năm 2020. Hà Nội chỉ tiếp nhận sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn.
Về việc cử tri thắc mắc nhà thầu đòi 50 triệu USD, Chủ tịch cho biết, đây là số kinh phí nằm trong dự toán của gói thầu, nhưng trong qua trình thi công, Kiếm toán Nhà nước vào kiểm toán và xuất toán, do vậy Bộ GTVT không thanh toán cho nhà thầu, do vậy nhà thầu yêu cầu, muốn nghiệm thu, hoàn thành họ cần lượng tiền để trả công cho chuyên gia, đơn vị tư vấn...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ rất quan tâm đến việc này, Bí thư cho họp và Hà Nội thành lập một tổ công tác cùng với Tổ công tác của Bộ GTVT, cùng nhà thầu Trung Quốc, Kiểm toán khắc phục, đẩy nhanh tiến độ.
Hiện dự án còn một số việc trọng tâm như nghiệm thu độ an toàn, chất lượng cả hệ thống; sau nghiệm thu có 20 ngày chạy thử nghiệm trước khi bàn giao cho Hà Nội...
Về kiểm tra các công trình, dự án xây dựng, Chủ tịch cũng cho hay, HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND TP và các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát các dự án xây dựng.
Hiện nay trên đia bàn UBND TP có 3 nhóm dự án, thứ nhất là nhóm của các bộ, ngành Trung ương triển khai, vì dụ Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, chủ đầu tư là Bộ GTVT còn TP Hà Nội là đơn vị thụ hưởng, sau khi xây dựng hoàn thành, đưa vào nghiệm thu, TP Hà Nội tiếp nhận và vận hành.
Tiếp đó, dự án thuộc các Ban Quản lý dự án của Thành phố; dự án thuộc các quận huyện triển khai.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát trước hết của chủ đầu tư, tiếp đó là các đoàn kiểm tra của bộ, ban, ngành Trung ương, Thành phố; đoàn giám sát của HĐND. Về quản lý nhà nước, UBND TP phân công cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP kiểm tra, đôn đốc tiến độ hàng tuần.
Trả lời các kiến nghị của cử tri về quản lý chợ Trời (phường Phố Huế) và một phần thuộc phường Đồng Nhân, Chủ tịch cho biết, trong chợ Trời có nhiều mặt hàng, nhưng riêng liên quan đến vật tư, phụ tùng ô tô cũ là cấm nên nhiều năm qua quản lý thị trường thành phố và lực lượng công an đã kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy nhiều vật tư phụ tùng ô tô cũ nên dần dần việc kinh doanh mặt hàng này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, còn phụ tùng xe máy và các linh kiện điện tử khác thì vẫn được phép kinh doanh nên chợ Trời vẫn tồn tại chứ không thể cấm hoàn toàn.
Về xử ý vi phạm đất đai tại xã yên Bài (huyện Ba Vì) và xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn), Thành phố đã xử lý nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên của xã, huyện có vi phạm. Về khắc phục các công trình trên đất, hiện UBND thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý triệt để.
Cửa hàng không thiết yếu chỉ mở sau 9 giờ sáng
Trả lời về quy định cửa hàng không thiết yếu chỉ mở sau 9 giờ sáng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã cân nhắc rất kỹ về thời gian mở cửa hàng cũng như các cơ sở kinh doanh, cuối cùng đi đến quyết định, tất cả cửa hàng không thiết yếu đều phải mở cửa hàng sau 9h. Yêu cầu này nhằm mục tiêu chính là phòng chống dịch bệnh. Tính đến nay, đã qua 64 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Nhưng dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp.
Tỷ lệ số người nhiễm không có triệu chứng lên đến 86-90%. Vừa qua, Hàn Quốc và Trung Quốc phát hiện có ca ủ bệnh 57 ngày mới cho kết quả xét nghiệm dương tính.
Ngoài ra, Hà Nội có khoảng 2,2 triệu học sinh đi học vào buổi sáng; trong khi có khoảng 550 người bán hàng nhỏ, hàng rong và phục vụ người nhà đi theo hệ thống cửa hàng này. Nếu giãn ra, 550.000 người đi làm sau khi học sinh đã đến trường chính là giải pháp giãn cách. Ở các nước ngoài cũng chủ yếu mở cửa hàng vào 9h-10h sáng.
“Thành phố thí điểm đến 31/12, nhưng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì đây sẽ trở thành quy định vĩnh viễn. Bên cạnh đó còn là giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Rất mong cử tri quận Hoàn Kiếm cũng như trên địa bàn Thủ đô đồng tình giải pháp này, chúng tôi tin việc ảnh hưởng là không lớn”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay.
Một số cử tri kiến nghị về công tác cắt tỉa cây xanh, tránh trường hợp tai nạn do cây gãy đổ, trả lời về việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, việc trồng mới, cắt tỉa cây xanh là việc làm thường xuyên, bằng trang thiết bị hiện đại. Việc cắt tỉa cây xanh vừa nhằm mục tiêu tạo cảnh quan, kiến trúc đẹp, đồng thời sẽ hạ dần độ cao của cây xanh để đảm bảo an toàn.
Từ khi áp dụng máy móc hiện đại vào cắt tỉa, đã giảm triệt để tai nạn lao động cho công nhân cây xanh. Thế giới đã ứng dụng máy siêu âm, phát hiện cây mục, sâu bệnh, TP Hà Nội sẽ phấn đấu trang bị máy móc hiện đại bậc nhất vào công tác này.