Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cải cách thể chế mới là liều vaccine ngừa Covid-19 tốt nhất của doanh nghiệp Việt Nam

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đã rất đúng đắn khi đưa ra gói hỗ trợ giải cứu doanh nghiệp (DN), nhưng thực tế DN vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận. Điều DN cần nhất hiện nay là Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các giải pháp về cải cách thể chế để tiếp sức kịp thời cho DN vượt khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức ngày 21/5.

Cần gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp Việt Nam

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng DN Việt Nam đã chống đỡ rất kiên cường trong đại dịch Covid-19. Năm 2020, có tới 65% số doanh nghiệp (DN) bị giảm doanh thu, nhưng đến cuối tháng 4/2021, số DN vẫn đạt mức kỷ lục so với năm 2020.

“Bây giờ trước đợt bùng phát Covid -19 mới, phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn” - ông Lộc lo lắng. Năm ngoái Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp và vẫn đang tiếp tục hỗ trợ DN. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế, cần có những giải pháp để DN được thụ hưởng tốt hơn.

“Có 2 vaccine rất cần thiết cho DN Việt Nam lúc này. Phải xây dựng quản trị DN minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh. Thứ hai là vaccine theo nghĩa đen, vaccine y tế” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại tọa đàm ''Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19'' ngày 21/5.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ về tài khoá tiền tệ (chính sách thuế, tiếp cận vay vốn), Thủ tướng đã giao cơ quan chức năng thúc đẩy vaccine hạn chế lây lan dịch bệnh trong thời gian tới. Vì vậy các Hiệp hội DN cần tăng cường sự liên kết, đối thoại cùng DN".

Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, đã có rất nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai tới các DN, nhưng phần lớn các DN nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận được. Nguyên nhân là do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn của DN.

Bày tỏ quan điểm về việc Chính phủ cần nghiên cứu và có thêm gói hỗ trợ mới cho DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, mặc dù thời gian vừa qua, các giải pháp hỗ trợ DN của Chính phủ  đưa ra tương đối đồng bộ, toàn diện. Đó là các gói hỗ trợ về tài khoá, chính sách thuế, gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội (tiền lương, nhà ở…). Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn rất hạn chế, đơn cử như gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ trả lương cho người lao động.

“Sắp tới trên cơ sở ý kiến của các DN, VCCI sẽ rà soát và đề xuất lên Chính phủ cần xây dựng quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận phù hợp với DN nhỏ và siêu nhỏ. VCCI với chức năng của mình sẽ phối hợp với các Hiệp hội khảo sát DN để có kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành” - ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Cải cách thể chế mới là cứu cánh

Vị Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế rất quan trọng. Làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho DN. Ví dụ giải quyết vấn đề tăng trưởng việc làm, thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu… và các giải pháp tiếp tục mở cửa thị trường nhằm hỗ trợ DN tiếp cận thị trường.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ tiếp tục thực thi tốt các giải pháp đã đề ra, với gói hỗ trợ đã có thì mở ra đại trà hơn, bao trùm hơn, để hỗ trợ rộng hơn các DN vừa và nhỏ đang khó khăn.

Bên cạnh đó, cần có gói hỗ trợ thứ hai nhằm vào các lĩnh vực, DN, dự án có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Hỗ trợ của Chính phủ không chỉ cứu DN mà còn tạo động lực cho DN phát triển sau đại dịch, những lĩnh vực dự án quan trọng của ngành kinh tế cũng cần hỗ trợ trọng tâm.

Chỉ ra một số giải pháp hỗ trợ thiết thực hỗ trợ DN, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, về dòng vốn FDI, trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đang diễn ra mạnh mẽ, cần có giải pháp đẩy mạnh kết nối DN trong nước và FDI. Về phát triển thị trường nội địa, cần đẩy mạnh các cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", "Hàng Việt chinh phục người Việt" để tiếp sức kịp thời cho DN.

Cùng với đó, cần xây dựng kịch bản diễn biến của thị trường để giúp DN chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh.

"Vừa rồi VCCI đề xuất Chính phủ, Quốc hội tổng rà soát những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong quy định pháp luật về kinh doanh, gỡ về thể chế tạo động lực cho nền kinh tế và DN. Đây là cứu cánh quan trọng nhất của DN trong bối cảnh hiện nay" - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc