Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: CPTPP thúc đẩy cải cách thể chế

Trang Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không có Mỹ, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không mang lại một thị trường xuất khẩu rộng lớn như kỳ vọng của DN. Tuy nhiên, so với các hiệp định tự do mà Việt Nam đã ký kết trước đây, CPTPP vẫn là đỉnh cao nhất về mở cửa thị trường và là tiêu chuẩn để thúc đẩy cải cách thể chế trong nước.

 Tham gia CPTPP DN Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. 
(Trong ảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng). Ảnh: Việt Linh
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bên lề Hội thảo về Hiệp định CPTPP – Các cam kết cơ bản và những lưu ý cho DN do VCCI và Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/5. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm: Việc ký kết và triển khai CPTPP là tin vui cho cộng đồng DN và nền kinh tế. Hiện chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định tự do, xúc tiến bảo hộ đầu tư với nhiều nền kinh tế, nhưng phải nói CPTPP là đỉnh cao nhất về mở cửa thị trường và là tiêu chuẩn để thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Tác động lớn nhất của Hiệp định này được khẳng định ở 2 khía cạnh: Một là các DN có cơ hội thâm nhập thị trường tốt hơn, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu khi hàng rào thuế quan đã bị dỡ bỏ. Hai là các chuẩn mực cao của CPTPP sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế.
Trước đây, TPP có Mỹ thì tác động với mở cửa thị trường lớn hơn, nhưng nay dù không có Mỹ tham gia thì tác động vẫn rất đáng kể. Chúng ta ngay lập tức có thị trường thương mại tự do với 3 nền kinh tế lớn ở châu Mỹ là Canada, Mexico, Peru. Chúng ta cũng đã nâng cấp được 7 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các đối tác còn lại trong CPTPP.

Tác động mở cửa thị trường là lớn nhưng tác động lớn hơn, toàn diện hơn và quan trọng hơn là CPTPP tạo ra áp lực, cơ hội và chuẩn mực cho thúc đẩy cải cách.

Ông có lưu ý nào đối với DN trong bối cảnh triển khai CPTPP?

- DN cần tranh thủ tiếp cận, nghiên cứu thông tin về CPTPP. Cho đến nay, một là các DN mới chỉ tận dụng được 30 – 40% các ưu đãi về thuế quan mà các Hiệp định FTAs mang lại, điều này có nghĩa DN đã bỏ lỡ 60 - 70% các ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu. Hai là các DN hãy chung tay với Chính phủ bám sát cam kết về cải cách thể chế trong CPTPP. Bằng cách đó DN vừa đẩy mạnh được hoạt động kinh doanh, vừa chung tay với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh.

Tôi muốn lưu ý các DN rằng, các ưu đãi thuế quan, giảm thuế chỉ là điều kiện cần để DN thúc đẩy xuất khẩu, quan trọng hơn cả là DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ của mình đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bởi khi thuế quan giảm xuống đồng nghĩa các nền kinh tế sẽ dựng lên các hàng rào kỹ thuật về VSATTP…
 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Bộ Công Thương đang rất nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu. Ông đánh giá như nào về nỗ lực này?

- Tôi rất hoan nghênh Bộ Công Thương đã có tuyên bố mạnh mẽ về cắt giảm điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng tôi hi vọng những tuyên bố đó đi vào thực tế, gắn với chương trình hành động cụ thể. Quan trọng nhất là làm sao để cải cách đó được thực hiện thực chất, không biến tướng từ hình thức này sang hình thức khác. Mong rằng Bộ Công Thương đi đầu trong mở cửa thị trường và hội nhập thì sẽ đi đầu về cải cách hành chính để vươn tới các chuẩn mực quốc tế.

Nông nghiệp được kỳ vọng được hưởng lợi từ CPTPP. Tuy nhiên có nhiều nước trong CPTPP có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. DN Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng tốt nhất lợi thế tự nhiên và ưu đãi từ CPTPP, thưa ông?

- Trước hết, việc thực thi CPTPP sẽ tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng vươn ra thị trường thế giới, nhưng cũng tạp ra áp lực cạnh tranh cho một số mặt hàng như thủy sản, nông sản do những khác biệt về thổ nhưỡng, năng suất lao động. Các mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gà đứng trước thách thức lớn bởi vì ngành chăn nuôi dựa trên công nghệ cao ở các nước trong CPTPP có khả năng cạnh tranh rất cao, tuy nhiên quá trình thực hiện Hiệp định, chúng ta có lộ trình đủ dài để các DN đầu tư đổi mới thiết bị, thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp, cộng với lợi thế tự nhiên của Việt Nam và chi phí lao động thấp thì ta hoàn toàn không bị lép vế.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập chúng ta cũng phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tập trung vào mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, ngoài nông nghiệp công nghệ cao thì nông nghiệp hữu cơ đặc sản cũng là lợi thế, cho nên hãy chú ý đến đa dạng hóa sản phẩm để có thể tận dụng tốt nhất lợi thế CPTPP.

Xin cảm ơn ông!