Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chú trọng 4 nhóm giải pháp chống chuyển giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 12 năm đầu tư tại Việt Nam, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam liên tục báo lỗ và chưa từng đóng một đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).

Kêu lỗ nhưng DN này liên tục phát triển hệ thống của mình, đến nay đã có đến 19 trung tâm siêu thị trải từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, nghi vấn về việc chuyển giá trốn thuế đã được Metro Cash & Carry Việt Nam "đổi chủ" khi thực hiện thương vụ chuyển nhượng cho một DN Thái Lan - vụ việc gây nhiều chú ý trong dư luận mới đây.

Lại thêm nghi vấn

Theo con số công bố của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, từ năm 2002 đến nay, chỉ duy nhất năm 2010, Metro báo lãi 116 tỷ đồng, các năm còn lại, con số lỗ của của Metro dao động từ 89 - 160 tỷ đồng. Theo đó, tính đến năm 2012, Metro lỗ lũy kế lên đến 598 tỷ đồng. Chính vì hoạt động kinh doanh thua lỗ nên 12 năm hoạt động ở Việt Nam, Metro chỉ mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu, mà chưa nộp đồng nào thuế thu nhập DN.

 
Đến nay, hệ thống Siêu thị Metro đã có 19 trung tâm tại Việt Nam.
Đến nay, hệ thống Siêu thị Metro đã có 19 trung tâm tại Việt Nam.
Còn nhớ khi Metro đặt trung tâm đầu tiên trên địa bàn Hà Nội, đã có không ít người, thậm chí, một số lãnh đạo TP, Bộ Thương mại lúc đó lo ngại hệ thống thương mại Hà Nội sẽ trở thành lạc hậu, "buôn thúng, bán mẹt" trước làn sóng đầu tư của những thương hiệu phân phối lớn của nước ngoài. Và thực tế, Metro liên tục có những năm làm mưa làm gió với hệ thống bán buôn khá hiện đại và mới mẻ với các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Metro cũng có được lợi thế từ chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam với rất nhiều thuận lợi dành cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là việc miễn giảm thuế trong những năm đầu cho DN. Chính sách này dựa trên cơ sở một DN khi mới đầu tư xây dựng chắc chắn có thể lỗ, nên việc miễn giảm thuế là để tạo điều kiện cho DN giảm bớt khó khăn. Chính vì thế, "trong 12 năm đầu tư vào Việt Nam, chỉ có thể chấp nhận 1 - 2 năm đầu Metro thua lỗ do yếu tố khách quan nhưng sau thua lỗ đó, bản thân DN phải tìm nguyên nhân từ đâu để khắc phục" - TS Bùi Kiến Thành chia sẻ. Tuy nhiên, cũng theo ông Thành: "Không có một ông chủ DN nào lại "khờ" đến mức để DN lỗ từ năm này sang năm khác. Bởi vậy, dư luận hoàn toàn có quyền nghi vấn dấu hiệu chuyển giá của Metro, nhưng không thể cứ nghi vấn mãi, nghi vấn thì phải thanh tra, kiểm tra. Trách nhiệm này của Tổng cục Thuế, của Bộ KH&ĐT phải có trả lời cho dư luận. Cơ quan thuế, hải quan phải xem họ mua hàng ở đâu, kiểm soát giá đầu vào, giá bán ra sẽ biết có chuyển giá hay không". Tuy nhiên, trong khi vẫn chưa có câu trả lời cụ thể, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam đã kịp chuyển nghi ngờ đó sang DN khác.

Kiểm soát chặt hoạt động chuyển giá

Mặc dù rất nhiều DN FDI, trong đó có cả Metro Cash & Carry Việt Nam đã bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm nhưng có một thực tế mà theo Vụ trưởng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa - Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến, do ngành thuế chưa được trao quyền điều tra nên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, sự phản kháng mạnh mẽ của DN có hành vi chuyển giá và các công ty tư vấn quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, trong các năm 2012 - 2013, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai mạnh chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá, một số DN đã nhiều năm kê khai lỗ thì nay đã kê khai có lãi, mặc dù điều kiện kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây; một số DN trước đây kê khai tỷ lệ lãi thấp thì nay đã kê khai có lãi cao hơn.

Từ những kết quả này, trong thời gian tới, ngành Thuế chú trọng vào 4 nhóm giải pháp chống chuyển giá cụ thể. Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối hoạt động chuyển giá, như: Quy định thời hạn thanh tra đối hoạt động chuyển giá dài hơn so với thời hạn thanh tra thông thường để phù hợp theo tính chất phức tạp của hoạt động này; bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế để đảm bảo thu thập thông tin xử lý đối với các DN cố tình chuyển giá. Đồng thời, bổ sung quy định về vốn mỏng, vì có một số DN có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai số lỗ lớn và lỗ liên tục để vay vốn của các công ty mẹ và các bên liên kết để hoạt động, từ đó, các DN này tiếp tục hạch toán khoản lãi vay vào chi phí để trốn thuế. Thứ hai, cần sớm kiện toàn bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá. Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu; bổ sung các thông tin cơ bản và thông tin bổ trợ để phục vụ cho quản lý giá chuyển nhượng. Thứ tư, tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của từng bộ phận chức năng quản lý như: Tuyên truyền, hỗ trợ; kê khai thông tin giao dịch liên kết; phân tích rủi ro và thanh tra xử lý vi phạm.