Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đơn vị chủ lực của ngành công thương Thủ đô trong hoạt động triển khai Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Sau 5 năm thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Hapro đã phát triển hệ thống bán lẻ của DN như thế nào, thưa ông?
- Là một trong những DN hàng đầu của ngành thương mại Thủ đô, trong những năm qua, đặc biệt là trong 5 năm tham gia CVĐ, Hapro đã đẩy mạnh đầu tư, kết hợp với đối tác ở nhiều địa phương trong cả nước thực hiện việc xây dựng, phát triển hệ thống bán lẻ. Đến nay, hệ thống bán buôn, bán lẻ của Hapro đã có 2 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre; 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart; 44 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood; 3 trung tâm kinh doanh chợ/chợ đầu mối và trên 100 cửa hàng chuyên doanh điện, điện máy, may mặc… tại Thủ đô và một số tỉnh, thành phía Bắc. Hapro đã tăng cường tỷ trọng hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống bán lẻ. Đến nay, 80% hàng hóa bày bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapro là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Khu vực ngoại thành là nơi tiêu thụ một lượng lớn hàng Việt, vậy trong những năm qua, Hapro đã tổ chức đưa hàng Việt tới thị trường này ra sao?
- Thực hiện chủ trương kích cầu tiêu dùng và hưởng ứng CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ cuối năm 2009 đến nay, Hapro đã tổ chức hàng trăm chuyến đưa hàng về nông thôn. Qua đó, Hapro đã chính thức đánh dấu sự quay trở lại với thị trường nông thôn rộng lớn mà đã có thời gian không được chú trọng phát triển. Để có thể tạo niềm tin với NTD các huyện ngoại thành, phần lớn hàng hóa đưa về thị trường nông thôn là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày như: thực phẩm công nghệ, đồ dùng gia đình... do các DN trong nước sản xuất nên giá bán thấp hơn thị trường từ 5 - 10%, qua đó thu hút NTD các huyện ngoại thành.
Trong thời gian qua, Hapro đã liên kết chặt chẽ với các DN thương mại mua hàng với số lượng lớn để giảm giá hàng hóa, qua đó kích cầu tiêu dùng. Hapro cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống tổng kho dự trữ hàng hóa, từ đó góp phần bình ổn giá. Có thể nói, việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tiêu thụ cũng tạo điều kiện để DN thay đổi định hướng kinh doanh cũng như quảng bá thương hiệu tới NTD.
Để Hapro cũng như các DN thương mại khác thực hiện CVĐ một cách tích cực hơn nữa, theo ông, UBND TP và ngành công thương nên có sự hỗ trợ như thế nào?
- Trong thời gian tới, để khuyến khích Hapro và các DN hưởng ứng và thực hiện CVĐ một cách tích cực hơn nữa, Ủy ban MTTQ Việt Nam tại các quận, huyện cần đẩy mạnh hỗ trợ DN trong quá trình thông tin quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, phiên chợ Việt... Đồng thời, Hapro kiến nghị UBND TP Hà Nội tăng cường kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, đặc biệt là khu vực thị trường nông thôn. UBND các huyện tạo điều kiện, hỗ trợ Hapro trong việc xác định địa điểm bán hàng Việt; Có chính sách hỗ trợ trong việc kết nối giữa DN sản xuất với DN phân phối hàng hóa để NTD có được mức giá hàng Việt phù hợp nhất. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh hoạt động chống hàng giả, hàng lậu, qua đó bảo vệ NTD và hàng Việt nhằm hỗ trợ DN trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Ảnh minh họa.
|