Song các chuyên gia khẳng định, để nâng cao chất lượng giáo viên (GV) phù hợp với việc đổi mới GD&ĐT, không thể thiếu vai trò của Hiệu trưởng.
Không chỉ là thủ lĩnh
"Giải mã" vấn đề Hiệu trưởng cần làm gì để thành công trong lãnh đạo GV dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS) trong giai đoạn hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, mỗi hiệu trưởng giải quyết đồng bộ 3 yếu tố cơ bản. Người Hiệu trưởng không chỉ có vai trò quản lý đơn thuần mà trước hết họ là nhà giáo, vận dụng thành thạo cả khoa học quản lý lẫn khoa học giáo dục. Ngoài việc là thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mỗi nhà trường, Hiệu trưởng cũng phải biết truyền lửa, cùng lăn lộn và động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo tự giác làm việc. Hiệu trưởng cũng phải hiểu được học trò, có sáng kiến tác động HS thay đổi nhân cách, nhận thức, hành động. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, để mỗi cơ sở giáo dục có thương hiệu, người Hiệu trưởng phải biết xây dựng văn hóa học đường.
Sản phẩm cuối cùng của mỗi Hiệu trưởng không chỉ là những quy định hành chính, mà còn là nhân cách học trò, năng lực phẩm chất nhà giáo đã mang lại cho mỗi HS. Từ kinh nghiệm 26 năm làm Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ông Lâm đề xuất Bộ GD&ĐT làm rõ vai trò, điều kiện để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể. Quan trọng nhất, Hiệu trưởng phải được tự chủ và được trả lương cao như Giám đốc. “Hiệu trưởng phải được tự chủ về nhân sự, tài chính và xây dựng các chương trình phù hợp với học trò của mình. Nếu muốn Chương trình GDPT tổng thể thành công, trước tiên có vai trò của Hiệu trưởng rồi mới đến GV. Bởi, Hiệu trưởng tạo ra sự thay đổi và cũng là người hỗ trợ GV thực hiện” - ông Lâm phân tích.
Giải bài toán thu nhập của giáo viên
Nhiều chuyên gia nhất trí với quan điểm: Chương trình GDPT tổng thể đáp ứng được điều kiện cần, nhưng để thực hiện được chương trình này phải có nhiều điều kiện đủ - đó cũng là thách thức. Thách thức quan trọng nhất hiện nay chính là đội ngũ GV với 2 vấn đề: Năng lực và động lực làm việc của người thầy. Về vấn đề năng lực, Bộ GD&ĐT nhận định, gần 100% đội ngũ GV phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đấy chỉ là “chuẩn” trên bằng cấp. Bởi chất lượng đầu vào của nhiều trường sư phạm ngày càng giảm. Hiện chưa có bất cứ nghiên cứu độc lập nào dựa trên phương pháp tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh đối với chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay, trong đó có chất lượng của người thầy.
Còn về vấn đề động lực, TS Phạm Thị Ly - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu - Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Động lực làm việc của người thầy quyết định vấn đề năng lực. Chúng ta đã nhiều lần đề xuất tăng lương cho GV, nhưng chưa được giải quyết một cách dứt điểm. Chừng nào đời sống GV, thu nhập và đãi ngộ cho họ không được cải thiện thì rất khó nói đến phát triển năng lực và phẩm chất của người thầy”. Singapore thu hút và giữ chân những người có năng lực tốt vào nghề GV bằng việc thực hiện mức lương khởi điểm cao hơn lương trung bình của cả nước. Khi ngân sách giáo dục của ta hạn chế, bà Ly "hiến kế" nên đa dạng hóa các nguồn tài chính. Trong đó, lương cho GV được ưu tiên hàng đầu, trước khi đầu tư cho cơ sở vật chất hay trang thiết bị. Ý tưởng này được nhiều chuyên gia đồng tình, bởi như phân tích của bà Ly: Chúng ta tăng cường xã hội hóa bằng cách khích lệ nguồn vốn tư nhân đầu tư mở trường. Khi đó, trường công được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, đảm bảo cho các thầy cô có đời sống ngang bằng mức trung bình của xã hội mà không phải làm bất cứ công việc gì khác; còn việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường ở mức độ tối thiểu. Trong khi đó, trường bán công có thể thu học phí ở mức độ bù đắp cho dạy và học. Trường tư rộng rãi, khang trang và tiện nghi hơn, nhà trường có thể thỏa thuận với phụ huynh và HS về mức học phí. Như thế, những gia đình có điều kiện cho con học trường tư, bán công, còn gia đình nghèo thì học trường công.
Ai cũng hiểu, tất cả những đề xuất này không phải ngay một lúc có thể thực hiện được, song về lâu dài, đây là việc cần làm để nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường, phục vụ việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
Giáo viên dạy môn Tự nhiên xã hội trong một tiết học tại trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Phạm Hùng
|