Cần lộ trình và hỗ trợ hợp lý
Mặc dù địa phương đã lên phường từ nhiều năm nay nhưng gia đình anh Nguyễn Xuân Diệu ở tổ 15, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông vẫn tận dụng phế phẩm của nghề nấu rượu để nuôi lợn. Anh Diệu thừa nhận, mặc dù đã xây hầm biogas xử lý chất thải, tuy nhiên việc chăn nuôi trong khu dân cư ít nhiều vẫn ảnh hưởng tới môi trường.
Sau khi biết thông tin HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi, trong đó có khu vực mình đang ở, anh Diệu tỏ ra lo lắng bởi tới đây sẽ mất đi một khoản thu nhập và chưa biết xử lý phụ phẩm của nghề nấu rượu ra sao.
“Đã là quy định thì tôi sẽ chấp hành, tuy nhiên cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ phù hợp để chúng tôi chuyển đổi nghề, đảm bảo đời sống” - anh Diệu bày tỏ quan điểm.
Tương tự, với diện tích vỏn vẹn 10m2, hộ ông Nguyễn Đình Hùng ở tổ 12, phường Phú Lương, quận Hà Đông hiện đang nuôi 9 con lợn thương phẩm. Theo chia sẻ của ông Hùng, nếu thuận lợi, mỗi năm gia đình ông nuôi được 2 lứa, lãi hơn chục triệu đồng.
“Tôi sẽ chấp hành theo quy định nhưng chưa biết phải làm gì nếu không được chăn nuôi nữa. Bởi tuổi đã cao nên việc chuyển đổi nghề là rất khó khăn” - ông Hùng lo lắng.
Trưởng Phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Hữu Thanh cho biết, trên địa bàn quận vẫn còn 5.496 hộ chăn nuôi với tổng đàn là 67.227 con. Qua khảo sát lấy ý kiến, đa phần các hộ chăn nuôi đều đồng tình với chủ trương của TP.
Còn Trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Phạm Tiếp cho biết, thời điểm này, trên địa bàn thị trấn Trạm Trôi chỉ còn vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi những rủi ro về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nên người dân tự động bỏ dần. “Huyện sẽ tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của TP” - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức nói.
Cơ sở để chăn nuôi bền vững
Theo quy định tại Nghị quyết HĐND TP, khu vực không được chăn nuôi gồm 12 quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, 6 thị trấn của 5 huyện sắp lên quận và các khu đô thị, khu tập thể cũ… Lộ trình thực hiện từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, việc ngừng hoặc di chuyển 3.354 hộ chăn nuôi trong khu vực quy định không được phép chăn nuôi của TP không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi. Bởi khu vực này chỉ chiếm tỷ lệ hơn 1%. Khu vực chăn nuôi này chủ yếu là nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, trong khi lại gây ô nhiễm môi trường, khả năng lây lan dịch bệnh rất cao.
Do đó, việc ngừng và di chuyển các hộ chăn nuôi ra khỏi khu nội đô, khu dân cư là việc làm cần thiết để TP xây dựng đô thị văn minh. Hơn nữa, đây còn là cơ sở phát triển chăn nuôi bền vững, tập trung xa khu dân cư, bảo đảm an toàn thực phẩm, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi của TP.
Ông Sơn cũng chỉ ra những khó khăn khi triển khai Nghị quyết. Đó là việc thực hiện thỏa đáng chính sách hỗ trợ cho người dân. Bởi việc dừng chăn nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận người dân. Còn nếu di dời ra khu chăn nuôi mới cũng không phải việc dễ, đa phần các hộ này đều là chăn nuôi nhỏ lẻ nên không có tiềm lực đầu tư, trong khi quỹ đất hạn hẹp. Mặt khác, do là chăn nuôi tận dụng nên lao động chủ yếu là người quá tuổi. Vì vậy, việc chuyển đổi nghề phù hợp cho lớp lao động này cũng là vấn đề nan giải.
Tuy nhiên, trên cơ sở khảo sát và lấy ý kiến của các địa phương, TP đã tính toán được các khó khăn, tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi nghề, có chính sách hỗ trợ hợp lý. Ông Sơn đề nghị trong thời gian tới, khi Nghị quyết được ban hành, các địa phương cần phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận chấp hành, vì một Thủ đô văn minh, một ngành chăn nuôi phát triển bền vững.