Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ trương đúng, hợp lòng dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho huyện Từ Liêm điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận và 23 phường mới, Đảng bộ, chính quyền Từ Liêm coi đây là sự kiện lớn của địa phương.

Đồng thời cũng thỏa niềm mong mỏi bấy lâu của người dân vì “chiếc áo” đã quá chật và cũng bởi đây cũng là cơ hội để người dân có đời sống tốt hơn, nhất là trong bối cảnh đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; tốc độ đô thị hóa mạnh, dân số tăng nhanh, nhu cầu phát triển dịch vụ thương mại lớn…

Điều kiện chín muồi

Bí thư Huyện ủy Lê Văn Thư cho biết, Từ Liêm là huyện có quy mô dân số lớn của Hà Nội (trên 550.000 người). Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, Từ Liêm nằm trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm, thuộc vành đai xanh của đô thị lõi Thủ đô Hà Nội. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều công trình quan trọng của quốc gia, nhiều chuỗi đô thị và khu đô thị hiện đại, nằm xen lẫn các khu dân cư cũ với sự phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng.
Chủ trương đúng, hợp lòng dân - Ảnh 1
Chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm đã có từ năm 2006,- ông Thư cho biết, khi đó, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho Từ Liêm điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 đơn vị hành chính mới. Sau đó, UBND huyện đã lập đề án thành lập 2 quận mới để trình Chính phủ vào năm 2008, nhưng do trùng vào thời điểm điều chỉnh địa giới để mở rộng thủ đô Hà Nội và sau đó là Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) nên việc điều chỉnh địa giới Từ Liêm phải lùi đến nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Từ Liêm đã có đầy đủ các điều kiện chín muồi để thực hiện Đề án điều chỉnh thành 2 quận và 23 phường vì có sự đồng thuận từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân. Những điều kiện đó trước hết là quá tải về khối lượng công việc. Tình trạng “cơ chế thì nông thôn, quản lý thì thì đô thị” đã kéo dài khá lâu gây áp lực lớn trong công tác quản lý nhà nước từ huyện đến các xã. Từ năm 2006 đến 2013, dân số trên địa bàn tăng bình quân 4 vạn người/năm, mật độ dân số trên 7vạn người/km2; trong số 16 xã, thị trấn của huyện có 79 thôn, 83 tổ dân phố; mỗi năm huyện phải giải quyết 580.000 hồ sơ hành chính (bằng nhiều huyện cộng lại); cơ cấu kinh tế hiện công nghiệp - thương mại dịch vụ chiếm 98,6%; nông nghiệp 1,4%. Trong tổng số 75,62 km2 đất, đến nay, 2/3 trong số đó là đất đô thị và xây dựng; diện tích đất còn lại, phần thì đã có dự án, phần thuộc vùng cây xanh đô thị của TP. Huyện có 108 trường học trực thuộc, trong đó 67 trường công lập; 55 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn về y tế; 80% số hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt đô thị…

Đồng thuận trong dân

Mặc dù các điều kiện về kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa… để thực hiện Đề án điều chỉnh địa giới đã đầy đủ, nhưng, ngay việc điều chỉnh địa giới để thành lập 2 quận mới và 23 phường cũng là cả sự trăn trở, suy tính của tập thể lãnh đạo huyện. Bởi theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tứ, để có diện mạo Từ Liêm như hôm nay, ngoài sự quan tâm đầu tư của Thành phố, có sự đóng góp công sức không nhỏ của nhiều thế hệ người dân Từ Liêm.
Chủ trương đúng, hợp lòng dân - Ảnh 2
 Vì vậy, các phương án điều chỉnh địa giới có nhiều, nhưng vẫn cần có phương án phù hợp để bảo đảm quyền lợi của nhân dân. Sở dĩ nhắc lại việc này là vì trước đây (thời kỳ năm 1997), khi thành lập các quận Cầu Giấy, Tây Hồ và Thanh Xuân thì Từ Liêm đã phải chịu thiệt thòi khi tất cả những địa bàn phát triển đều bị tách ra để nhập vào quận mới và phải mất gần 20 năm kể từ đó đến nay, Từ Liêm mới “thoát” được địa danh “huyện thuần nông” để mang dáng dấp đô thị. Chính vì lẽ đó mà phương án thành lập 2 quận phía Bắc và phía Nam đã được chọn để mọi người dân của Từ Liêm đều được hưởng trọn niềm vui thành quận. Sự lựa chọn này đã được tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ và minh chứng cho việc này là khi huyện tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thì 99,9% số hộ dân được hỏi đồng tình, ủng hộ và có tới 90,5% số hộ nhất trí với tên gọi 2 quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Kỳ họp thứ 8, HĐND huyện khóa XVIII, đã có 32/33 số đại biểu HĐND huyện tán thành thông qua Đề án và tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP khóa XIV, 100% số đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua.

Tri ân tiên tổ

Liên quan đến tên gợi của hai quận, ông lê Văn Thư cho biết, qua lấy ý kiến của nhân dân, đã có 65.473 cử tri đại diện hộ nhất trí với dự kiến đặt tên hai quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, đạt tỷ lệ 90,5%. Tuy nhiên cũng có 25 cặp tên được đề xuất như Bắc Từ Liêm- Nam Từ Liêm; Từ Liêm - Lãng Bạt, Hữu Hưng - Từ Liêm; Xuân Thủy - Đồng Cổ, Từ Liêm - Trúc Khê, Từ Liêm - Trần Duy Hưng, Mỹ Đình - Thăng Long, Từ Liêm - Từ Liêm mới, Bắc Thăng Long - Mỹ Đình, Từ Liêm - Thanh Liêm, Từ Liêm - Nam Hồng, Từ Liêm - Mỹ Đình…
Chủ trương đúng, hợp lòng dân - Ảnh 3
Cắt nghĩa việc lưu giữ tên “Từ Liêm” ở hai quận mới, ông Lê Văn Thư cho biết, Từ Liêm là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, luôn gắn với truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Theo sử sách ghi lại thì “Từ” có nghĩa là “Người trên thương yêu người dưới” hay “Tình thương chung” hoặc “Xưng mẹ là Từ”, còn “Liêm” có nghĩa là “trong sạch”, “ngay thẳng”, hay “không tham của người”. Tên Từ Liêm đã xuất hiện ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước. Do vậy, để tri ân các thế hệ cha, ông và những lớp người đi trước; cũng là để cái tên “Từ Liêm” không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ con, cháu sau này. Trong đề án đã xác định tên hai quận là: “Bắc Từ Liêm” và “Nam Từ Liêm”, cũng như đã xác định tên các phường mới đều được gắn với tên truyền thống của các xã, thị trấn hiện nay.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, trong thời gian này, lãnh đạo huyện đã ứng trực liên tục tại cơ quan để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo triển khai hàng loạt công việc như: quản lý đất đai, trật tự xây dựng; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội,  xây dựng Nông thôn mới; giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quan tâm chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm cho mọi người dân được đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Quận Bắc Từ Liêm có diện tích 4.35,34ha, dân số 319.818 nhân khẩu, thuộc diện tích và dân số các xã: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai, Phú Diễn, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế và một phần diện tích ở phía Bắc quốc lộ 32 của xã Xuân Phương (9,30ha); một phần diện tích và dân số của thị trấn Cầu Diễn (75,48ha diện tích và 10.126 nhân khẩu. 13 phường thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm: phường Thượng Cát, phường Liên Mạc, phường Thụy Phương, phường Minh Khai, phường Tây Tựu, phường Đông Ngạc, phường Đức Thắng, phường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, phường Cổ Nhuế 1, phường Cổ Nhuế 2, phường Phúc Diễn và phường Phú Diễn.
Trụ sở của quận trước mắt bố trí tại khu văn hóa – thể thao của huyện tại xã Phú Diễn, đã quy hoạch 20ha đất để xây dựng trụ sở mới tại xã Minh Khai.
Quận Nam Từ Liêm có diện tích 3.227,36ha, dân số 233.490 nhân khẩu thuộc diện tích và dân só của các xã Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ; phần lớn diện tích và dân số của xã Xuân Phương (536,34ha và 34.648 nhân khẩu, phần phía Nam quốc lộ 32); một phần diện tích và dân số của thị trấn Cầu Diễn (137,75 ha và 23.279 nhân khẩu). 10 phường thuộc quận Nam Từ Liêm gồm: phường Trung Văn, phường Đại Mỗ, phường Tây Mỗ, phường Mễ Trì, phường Phú Đô, phường Mỹ Đình 1, phường Mỹ Đình 2, phường Cầu Diễn, phường Phương Canh và phường Xuân Phương.
Trụ sở của quận được bố trí tại trụ sở của huyện hiện nay. Tất cả các phường đều có phương án bố trí trụ sở phù hợp.