Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chữ viết sai trong di tích: Chờ được chỉnh sửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL đang giao cho các cục, phòng chuyên môn đề xuất phương án chấn chỉnh chữ viết trong di tích. Sau chủ trương loại bỏ linh vật ngoại lai, chấn chỉnh chữ viết được xem là vấn đề "nhạy cảm".

Chính vì vậy, sau gần 2 tháng rục rịch tiến hành, mọi động thái mới là chủ trương.

Nhức mắt chữ tục

Nằm trong không gian khu di tích lịch sử đền Hùng, bức hoành phi mắc lỗi Hán tự ở Đền Trung tồn tại nhiều năm mà không ai biết. Phải đến khi bác Trần Văn Sinh - thành viên thư pháp chùa Hoằng Ân lên tiếng thì cơ quan quản lý văn hóa mới để ý. Bên cạnh đó, tình trạng chữ viết lộn xộn, mắc nhiều lỗi, thậm chí còn mang ý nghĩa dung tục đang tồn tại ở nhiều di tích các tỉnh, thành mà ngành văn hóa không kiểm soát được.
Biển hiệu viết sai Hán tự tại ban thờ ''Cô Chín Sòng Sơn'' - đền Sòng (Thanh Hóa).
Biển hiệu viết sai Hán tự tại ban thờ ''Cô Chín Sòng Sơn'' - đền Sòng (Thanh Hóa).
TS Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người có nhiều năm nghiên cứu về đình chùa ở Việt Nam, phải thốt lên: Kinh khủng tình trạng sai sót Hán tự ở đình chùa. Trong lần thăm chùa Vân Tiêu (Yên Tử, Quảng Ninh), đọc những câu thơ chữ Hán in trên lọ lục bình, TS Trần Trọng Dương "giật mình" về nội dung ca ngợi vị thần tình dục Vu Sơn Vu Giáp nổi tiếng của Trung Hoa. Hay ở đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều bức hoành phi ngợi ca kiểu phản cảm với tiểu sử của nhân vật được thờ. Bên cạnh đó, tình trạng viết sai Hán tự như ở đền đền Sòng (Thanh Hóa)... cũng diễn ra tràn lan.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng từng đề xuất, sau chủ trương loại bỏ linh vật ngoại lai, Bộ VHTT&DL nên nhanh chóng dẹp chữ sai, thơ sai trong di tích. Với những người nghiên cứu sâu sắc về sử học như ông Dương Trung Quốc, vào di tích là đụng phải hoành phi câu đối sai cả về nội dung đến ngữ pháp Hán tự.

Nhà văn hóa hiến kế

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết: "Từ đầu tháng 11/2014, Bộ đã giao cho Cục Di sản nghiên cứu, đề xuất phương án chấn chỉnh chữ viết trong di tích Việt". Theo quan niệm của nhiều người, hoành phi câu đối phải đọc được mới có ý nghĩa. Thế nhưng, nhiều người khác lại cho rằng, hoành phi câu đối viết bằng tiếng Latin sẽ mất thiêng, và nếu di tích chỉ có chữ Quốc ngữ thì giải quyết như thế nào với truyền thống Hán tự của ông cha? Bởi "ngôn ngữ Hán theo âm đọc của người Việt, được người Việt dùng để sáng tác văn thơ, dùng trong hành chính, thi cử thì nó là thứ của mình" - nhà nghiên cứu Trần Quang Đức - tác giả cuốn sách "Ngàn năm mũ áo" bày tỏ.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nghiêng về phương án giữ nguyên hoành phi câu đối Hán tự và bên cạnh ghi chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, TS Trần Trọng Dương lại cho rằng, việc không được dùng chữ Quốc ngữ trong đình chùa vì giảm tính thiêng là quan điểm cực đoan: "Việc làm mới hoành phi câu đối (Hán Nôm hay Latin) nên tùy thuộc vào việc các câu chữ đó đặt ở không gian nào. Nếu đặt ở một công trình xây mới, thì có thể hoặc dùng toàn Hán hoặc toàn Nôm, hoặc toàn Latin để thống nhất chữ viết và mỹ thuật. Ở các di tích cổ vốn chỉ có các hoành phi câu đối bằng chữ Hán, chữ Nôm thì không được dùng chữ Latin". Hơn nữa, để ngăn ngừa những sai phạm về sau, các nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất Bộ VHTT&DL cần đưa ra quy định các làng nghề sản xuất hoành phi câu đối, các đơn vị trùng tu mỗi khi tu bổ văn bia, văn chuông... cần có ý kiến tham vấn của đơn vị nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: "Để đến bây giờ mới chấn chỉnh cũng là muộn, nhưng muộn còn hơn không". Kể từ sau chia sẻ của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, các cơ quan chuyên môn của Bộ VHTT&DL đã rục rịch lên kế hoạch nhằm chấn chỉnh chữ viết trong di tích. Thế nhưng, gần 2 tháng trôi qua, Bộ vẫn chưa ra được công văn chính thức. Các nhà nghiên cứu văn hóa, những người yêu di sản Việt đều đang ngóng chờ động thái tích cực hơn từ Bộ.