Bộ GTVT vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi, thay thế Luật Giao thông Đường bộ năm 2008. Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định chủ phương tiện phải có tài khoản giao thông phục vụ cho việc phạt nguội và trả phí đường bộ. Trong mấy ngày gần đây, đã có nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi và hiệu quả nếu được thông qua. Không ít người bày tỏ quan ngại quy định trên sẽ vấp phải nhiều rào cản về hành lang pháp lý cũng như sự đồng thuận của xã hội.
Ưu việt nhưng nhiều bất cậpTrao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, việc lập tài khoản cho chủ xe ô tô để phục vụ việc phạt nguội và trả phí đường bộ là một hướng đi tiên tiến đang được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, đối với nước ta, để đưa được quy định này vào đời sống đòi hỏi phải có một lộ trình dài hơi và sự nghiên cứu, tính toán chi tiết, cụ thể. Về mặt ưu điểm, ông Liên cho biết, khi các chủ xe có tài khoản giao thông sẽ giúp các cơ quan quản lý minh bạch trong việc xử phạt, khắc phục được những tiêu cực trong quá trình xử phạt vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, chủ phương tiện tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức khi không phải đi lại nhiều lần để nộp phạt. Ngoài ra, khi thiết lập được tài khoản ngân hàng cũng giúp người dân từng bước làm quen với phương thức quản lý về tài chính qua các giao dịch điện tử, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt như hiện nay.
Người Việt Nam hay có tâm lý nghi ngờ, nên cái gì mới cũng khó chấp nhận ngay mà phải thực hiện một cách từ từ, từng bước một. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tạo ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là ngân hàng và người dân làm sao cho thuận tiện nhất, chứ để mỗi người một ngân hàng thì ngay cả đơn vị thu tiền phạt cũng rất mệt mỏi.Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên |
Ở Singapore, tôi quan sát thấy khi lái xe ra đường không phải mang theo nhiều giấy tờ như Việt Nam. Mỗi người chỉ có một chiếc thẻ để trong chiếc hộp nhỏ như bao thuốc để phía trước xe. Khi qua các trạm soát vé, tiền phí sẽ được tự động trừ vào tài khoản thông qua chiếc thẻ này. Những trường hợp vi phạm giao thông cũng được phạt nguội bằng hình thức tương tự. Điều này thuận tiện cho cả chủ xe và các cơ quan quản lý Nhà nước” - ông Liên nói.Ưu việt là thế, nhưng Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, thời điểm này áp dụng quy định chủ xe phải có tài khoản giao thông để phạt nguội và trả phí đường bộ sẽ có không ít bất cập, nhất là đối với các DN kinh doanh vận tải và cho thuê ô tô tự lái. Lấy ví dụ trường hợp một DN cho thuê xe tự lái, khi khách hàng đi ra đường vi phạm giao thông, đương nhiên người điều khiển xe phải có trách nhiệm nộp phạt.
Tuy nhiên, với quy định mà Bộ GTVT vừa đề xuất, cơ quan chức năng sẽ trừ tiền phạt nguội từ tài khoản của chủ xe. Điều đó là không hợp lý. “DN cho thuê xe hiện nay chưa phải là đơn vị vận tải mà chỉ là đơn vị dịch vụ cho thuê phương tiện. Do đó, để áp dụng phương thức như Bộ GTVT đưa ra đối với các DN này thì cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm nhiều quy định rõ ràng, chi tiết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của cả người thuê xe và DN cho thuê xe” - ông Liên phân tích.Cần tăng chế tài xử phạtTheo ông Bùi Danh Liên, quy định mà Bộ GTVT đưa ra hướng tới hai đối tượng chính là các DN vận tải và chủ sở hữu các phương tiện ô tô cá nhân. Nhưng ngay cả khi áp dụng với hai đối tượng này cũng bất cập. Như với xe cá nhân, ở Việt Nam vẫn còn tình trạng sử dụng chung, rồi đem xe cho mượn... Vì thế, khi lái xe vi phạm giao thông, rất khó để xác định đâu là đối tượng phải nộp tiền phạt nguội từ tài khoản cho hợp lý.
“Người lái xe chịu phạt hay chủ xe chịu phạt? Cái này phải xây dựng quy chế sức chặt chẽ và minh bạch. Còn đối với DN vận tải, việc áp dụng sẽ thuận lợi hơn song cái này đòi hỏi cơ quan chức năng phải có phần mềm rất minh bạch, rất khoa học để khỏi tránh bất cập xảy ra” - ông Liên nói.Trong khi đó, TS Phạm Sanh – chuyên gia giao thông, đô thị cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào việc lập tài khoản cho chủ sở hữu ô tô để giúp công tác xử phạt giao thông trở nên thuận lợi hơn mà cái chính vẫn là ý thức của người dân. “Với những người chây ì, không chịu nộp phạt có bắt họ lập tài khoản cả trăm triệu đồng, nhưng họ không đồng ý cũng khó làm gì được, ngân hàng nào dám tự động rút tiền? Còn với những người ý thức tự giác, trả qua tài khoản hay tiền mặt cũng như nhau” - ông Sanh nói. Anh Phúc – Giám đốc một DN cho thuê xe tự lái ở Hà Nội cho rằng thay vì chỉ có người sở hữu ô tô mới phải lập tài khoản giao thông để phạt nguội thì nên bắt buộc tất cả mọi người có bằng lái xe cũng phải lập tài khoản này. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề “quýt làm cam chịu” trong trường hợp người thuê xe hoặc mượn xe đi ra đường vi phạm giao thông nhưng chủ sở hữu xe lại là người phải nộp phạt.Để giải quyết tận gốc vấn đề này, TS. Phạm Sanh đề nghị phải đưa ra những chế tài xử phạt thật nặng đối với những người vi phạm giao thông cố tình chây ì không nộp phạt. “Không quan tâm xe mượn hay xe không sang tên, phải phạt thật nặng cả người bán và người mua xe không chịu sang tên, coi thường pháp luật. Nếu người bán không biết bán cho ai hoặc trong trường hợp khai ra người mua, nhưng không biết đang ở đâu cũng phải truy đến cùng, đưa ra tòa hoặc kể cả xử hình sự” - TS Phạm Sanh quả quyết.