KTĐT - Sau 5 ngày thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm, ý thức người tham gia giao thông đã phần nào được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều đối tượng sử dụng những loại xe máy đắt tiền phớt lờ quy định đội mũ bảo hiểm.
Liều lĩnh chạy trốn
Tại ngã tư Hàng Bài-Trần Hưng Đạo, 11h30 hôm qua 15-2, chiếc xe máy PS màu đen do 1 thanh niên điều khiển không đội mũ bảo hiểm bất chấp nguy hiểm vẫn cố tình lạng lách, rồ ga bỏ trốn khi nhìn thấy CSGT. Tiếp theo, 2 học sinh của trường THPT Việt Đức vẫn còn nguyên đồng phục ngồi trên chiếc xe Attila cũng khựng lại giữa đường loay hoay định quay đầu xe bỏ trốn thì bị tổ công tác của Đội CSGT số 1 xử lý. Cả 2 học sinh trên rút điện thoại tìm kiếm sự “trợ giúp”. Mặc dù vậy, CSGT vẫn kiên quyết lập biên bản xử lý đối với 2 học sinh này là Huỳnh Ngọc Trâm và Ngô Anh Trường đều là học sinh lớp 11.
Trung úy Tạ Xuân Hậu - Đội CSGT số 1 cho biết, từ tầm trưa đến tối, số thanh thiếu niên con nhà khá giả mới “cưỡi” những chiếc xe đắt tiền “lượn” phố. Khi bị CSGT xử lý, những lý do vô lối muôn thuở như “quên”, “nhà gần” hay thậm chí là “không biết” được đưa ra để viện dẫn cho hành vi vi phạm của mình. Đơn cử như trường hợp Nguyễn Anh Tuấn (SN 1991) nhà ở phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi điều khiển chiếc xe Liberty BKS: 30L5-0478 không đội mũ bảo hiểm, quay đầu xe bỏ chạy không được, Nguyễn Anh Tuấn nói rằng bị mất mũ bảo hiểm và đang trên đường đi mua. Tuy nhiên khi CSGT yêu cầu Tuấn mở cốp xe để kiểm tra, bên trong có 1 chiếc mũ bảo hiểm. Đến lúc này Tuấn mới chịu ký vào biên bản vi phạm khi CSGT kiên quyết từ chối yêu cầu “cứu viện”, “thông cảm” từ người thân của Tuấn.
Quây chặt, xử nghiêm
“Chỉ tính trong vòng 30 phút, chúng tôi đã lập biên bản xử lý tới 7 trường hợp vi phạm các lỗi liên quan đến mũ bảo hiểm. Đáng chú ý, 3 trong 4 chiếc xe bị tạm giữ đều là những loại xe tay ga đắt tiền, đó là chưa kể đến số xe “xịn” mà người điều khiển không đội mũ bảo hiểm bị lập biên bản trước đó”- Trung úy Lưu Thanh Châu-Đội CSGT số 1 thông tin. Còn Trung tá Nguyễn Văn Đức-Đội trưởng Đội CSGT số 2 cũng cho biết, hiện nhiều thanh niên con nhà giàu, đi xe đẹp luôn coi thường quy định này. Khi bị CSGT phát hiện xử lý, các đối tượng còn gọi người nhà đến “giải cứu” kẻ vi phạm. Đơn cử như đối tượng Trịnh Thị Dung ở ngõ Cẩm Văn, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội điều khiển xe máy chở người ngồi đằng sau không đội mũ bảo hiểm vào 17h ngày 13-2 tại nút giao thông Phan Đình Phùng-Hoàng Diệu đã không ký vào biên bản vi phạm. Không những vậy, Dung còn gọi điện cho người nhà đến lăng mạ CSGT cũng như tìm cách bỏ trốn. Chỉ đến khi Đội CSGT số 2 có sự tăng cường của CS113 CAQ Ba Đình, đối tượng mới chịu ký vào biên bản vi phạm.
Mặc dù công tác xử lý vi phạm mũ bảo hiểm tại 4 quận nội thành đang được thực hiện tốt, Thượng tá Đào Vịnh Thắng-Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt khẳng định, nhiều nơi còn có tâm lý và suy nghĩ việc tham gia giữ gìn cũng như xử lý vi phạm Luật Giao thông là trách nhiệm của riêng CSGT. Điều này đã tạo kẽ hở khiến những đối tượng vi phạm có cơ hội tái diễn vi phạm, chống người thi hành công vụ. Hàng trăm thông báo đã được CSGT gửi về nơi cư trú của người vi phạm nhưng vẫn rất ít thông báo được phản hồi. Điều này cho thấy sự vào cuộc của các cấp chính quyền sở tại vẫn chưa thật sự đồng bộ. “Cùng với việc tăng cường xử lý và tuyên truyền, chúng ta cần phải siết chặt lại khâu này”-Thượng tá Thắng nhận xét.