Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chữa bệnh “diễn” trong giáo dục

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh yếu được nghỉ ở nhà trong thời gian thi giáo viên (GV) giỏi tại Hải Phòng thực sự là “cú tát” vào ngành giáo dục. Không chỉ ở Hải Phòng, bệnh “diễn” đã tồn tại nhiều năm trong giáo dục, rất cần phải loại bỏ để chất lượng giảng dạy đi vào thực chất.

Các thầy cô trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng được cho rằng đã yêu cầu học sinh kém ở nhà để giáo viên thi dạy giỏi. Ảnh: Lao Động
“Biến tướng” thi giáo viên dạy giỏi

Những năm gần đây, không ít đơn vị giáo dục mắc “bệnh thành tích” đã đầu tư cho GV đi thi. Một tập thể chuyên môn sẽ tập trung xây dựng bài giảng, thậm chí tìm thầy hướng dẫn, huấn luyện để GV nhập vai, làm đi, làm lại và đi thi. “Trước đây, khi còn đứng lớp, tôi đã nhiều lần tham dự cuộc thi GV giỏi nhưng tự mình nghiên cứu, tìm tòi, khi gặp vấn đề gì mới đi hỏi đồng nghiệp. Chính vì thế, khi đi thi GV giỏi, tôi dạy thật để giám khảo chấm. Nhưng giờ đây, những cuộc thi GV giỏi bị can thiệp rất mạnh bởi những tổ nhóm chuyên môn đã làm cho bản sắc cá nhân bị giảm và ý nghĩa thật sự không còn” - ông Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) cho biết.
Bản chất của thi GV giỏi hiện nay là “diễn”. Giáo viên “diễn” và đôi khi học sinh cùng tham gia “diễn”. Các tiết dạy giỏi rất công phu, tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc nhưng thường không triển khai được trong thực tế.

Tôi biết, có những trường 30 năm chưa bao giờ thi GV giỏi nhưng học sinh của họ rất giỏi, chất lượng giáo dục tốt. Cũng có những GV chưa hề có bất kỳ danh hiệu nào nhưng luôn được học sinh, phụ huynh đánh giá dạy giỏi, được thể hiện qua kết quả học tập. Tôi cho rằng, thi GV giỏi như hiện nay là biểu hiện rõ ràng của “bệnh thành tích”. Vì thế, tôi kiến nghị bỏ hẳn các hình thức thi GV dạy giỏi.

Thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh
TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT trường liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) từng chứng kiến những câu chuyện “diễn” trong giáo dục. Một tổ GV xúm vào góp ý, thiết kế, dự giờ dạy của GV sẽ đi thi. Họ còn bố trí cho học sinh A trả lời câu này, em B nói sai để có cơ hội cho GV xử lý tình huống, ghi điểm với ban giám khảo. “Ban đầu những phong trào hội giảng, thi GV dạy giỏi… để tìm ra phương pháp dạy học tốt hơn là rất cần thiết. Nhưng sau này những cuộc thi đó mang màu sắc ganh đua, khiến cho thi GV giỏi không đúng bản chất, trở thành phi giáo dục. Vì "diễn" không đúng sự thật dẫn đến phản tác dụng, thậm chí dạy học sinh cách nói dối. Điều này rất có hại cho giáo dục nước nhà” - thầy Hòa nhận định. Nhiều năm công tác tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - Bộ GD&ĐT, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam không đồng tình với cách tổ chức thi GV giỏi như hiện nay. Ban Giám hiệu và tổ bộ môn biết rõ năng lực của GV trong trường đến đâu. Thi GV giỏi có tính chất trao đổi, chia sẻ và rút được kinh nghiệm hay giữa các trường với nhau thì rất tốt. Đã là GV giỏi thì trong một tiết học phải làm sao để học sinh đã học giỏi sẽ giỏi hơn, em yếu vẫn tiếp thu được kiến thức và không ai bị tụt lại phía sau bài giảng.

Để không còn bệnh “diễn”

Mục đích chính của thi GV giỏi nhằm động viên người thầy tiếp tục tìm tòi, sáng tạo. Thế nhưng, cuộc thi này đã bị “biến tướng” nên rất cần loại bỏ. Nhưng để tôn vinh những nhà giáo tâm huyết, nhiều nhà giáo kiến nghị Bộ GD&ĐT duy trì cuộc thi nhưng thay đổi cách tổ chức theo hướng thực chất, nghiêm túc, khách quan. “Đề thi chỉ nên được thông báo trước cho thí sinh 1 hoặc 2 ngày để họ không thể có thời gian nhờ người can thiệp” - ông Nguyễn Khắc Thành kiến nghị. Trong khi đó, GS Phạm Tất Dong đưa ra hướng thi theo kiểu trước giờ thi sở GD&ĐT chọn một lớp học ở trường A, rồi chỉ định GV đến đó giảng bài và ban giám khảo đến dự giờ. Như thế, cách tổ chức sẽ hợp lý và mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ thực tiễn tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TS Nguyễn Văn Hòa khuyến nghị, muốn thay đổi bệnh “diễn” trong giáo dục thì phải từ quan điểm và mục tiêu giáo dục. Giáo dục không phải chạy theo “bệnh thành tích”, thi cử, điểm số mà hướng tới hình thành nhân cách phát triển con người. Ông Hòa cũng cho biết, trước đây, tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng xảy ra "bệnh diễn” nhưng nhà trường đã phát hiện và ngăn chặn bằng cách trao đổi, thuyết phục, tập huấn để GV hiểu rõ mục tiêu giáo dục hướng tới con người. Nhà trường cũng không đưa ra chỉ tiêu thi đua, không tổ chức thi GV dạy giỏi. “Chúng tôi chỉ yêu cầu GV trình bày một chủ đề dạy học trước hội đồng nhà trường và có góp ý cho nhau. Việc dự giờ lớp học cũng rất đơn giản, chỉ 1 - 2 cán bộ dự và sau đó đưa ra góp ý, chứ không đánh giá GV giỏi, khá, trung bình. Hiện nay, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm quản lý, đánh giá GV một cách trực tiếp nên họ thấy thoải mái hơn. Thậm chí, nhiều GV rất cần có người dự giờ, để góp ý, thay đổi cách giảng dạy để phát triển bản thân. Với cách làm thế này, tôi thấy hoạt động dự giờ đang đi đúng bản chất” - ông Hòa nhấn mạnh.

Lại có những ý kiến cho rằng, bệnh “diễn” trong giáo dục là vấn đề xã hội, muốn trị được rất cần ngành Giáo dục các cấp thực hiện đúng Nghị quyết 29 thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng cần điều chỉnh những quy định không còn hợp lý, không gây áp lực cho GV, cũng như đưa ra tiêu chí thi đua… Như thế, cho dù chặng đường chữa trị bệnh “diễn” còn dài nhưng nếu mọi người nhận thức rõ và có sự quyết tâm, kiên trì thì vẫn có thể thực hiện được.
Tôi đề nghị dứt khoát phải điều chỉnh hình thức thi GV giỏi. Chẳng hạn như, mấy năm qua, ngành giáo dục Thủ đô duy trì tổ chức giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” sẽ hay hơn. Những khả năng sáng tạo của GV đã được tập thể nhà trường ghi nhận, khi ra hội đồng giám khảo thì họ trình bày và trả lời chất vấn bằng những việc làm cụ thể. Với cách làm thật này, GV không phải “diễn”.

Tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng không tổ chức phong trào thi GV dạy giỏi. Điều chúng tôi mong muốn mang đến hạnh phúc cho các thầy và các thầy lại chuyển hạnh phúc cho học trò. Chúng tôi chỉ muốn thầy trò đều được giảm bớt áp lực, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng