Cũng vì thế, những cuộc bàn tròn mở ra xung quanh vấn đề đạo đức xã hội luôn “nóng” trong giới làm văn hóa từ trước tới nay.
Lệch chuẩn xã hội làm đứt gẫy đạo đức
Trong cuộc tọa đàm “Những vấn đề về đạo đức xã hội nhìn từ góc độ văn hóa” mới đây, PGS.TS Triệu Thế Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thừa nhận, những vấn đề đạo đức xã hội được bàn đến trong thời gian qua có khá nhiều “mảng tối” như nạn bạo lực học đường, sa sút đạo đức nơi công cộng, bao lực gia đình… Những “mảng tối” này không phải bây giờ mới có, chỉ có điều hiện giờ sự minh bạch của truyền thông khiến mọi việc cởi mở hơn và “ầm ĩ” hơn. Trong đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường chính là bài toán nhức nhối gián tiếp tạo ra những thay đổi trong cách sống, suy nghĩ, quan điểm về giá trị con người. Thêm vào đó, giới trẻ như đang quay cuồng trong điện thoại di động, internet, truyền hình vệ tinh, cáp…, mà bối rối không biết nên chọn tiếp thu điều gì cho phù hợp, loại bỏ điều gì để “vẫn là mình”.
Phải nói rằng, ở góc độ những người làm văn hóa, không ai không nhận ra và không suy ngẫm về những “mảng tối” của đạo đức xã hội, khi mà những sự vụ bạo lực liên quan đến thầy – trò, lớp trường cứ nối đuôi nhau, những hành động “chướng tai gai mắt” cứ hiện diện như không trong đời sống thường nhật… PGS.TS Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: “Có những sự xáo trộn, lệch chuẩn ở các lĩnh vực xã hội, từ đó tác động đến việc xáo trộn và đứt gãy trong văn hóa và đạo đức”. Nguyên nhân thì có nhiều, bởi văn hóa và đạo đức là tổng hòa các quan hệ xã hội. Song gói gọn lại sẽ thấy hiển hiện 3 góc độ: Những xáo trộn đứt gãy các chuẩn mực trong các mối quan hệ xã hội dưới sự tác động của giao lưu hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường; Những điều còn yếu kém của giáo dục ở nhà trường và gia đình; Những vi phạm chưa được xử lý một cách nghiêm minh.
Kỳ vọng với ý tưởng mới
Bên cạnh những lời đề nghị tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh giáo dục có vẻ hơi khô khan, thì khá nhiều người tỏ ra hứng thú với việc lấy nghệ thuật để “chữa bệnh” đạo đức hiện nay. Là bởi tự bản thân văn hóa nghệ thuật đã mang sứ mệnh truyền thụ văn hóa, đạo đức bằng ngôn ngữ của nghệ thuật. Sự sinh động của các loại hình nghệ thuật khiến việc truyền thụ văn hóa, giáo dục, đạo đức mềm mại đi, tự nhiên hơn. Hài kịch – thể loại đang chiếm lĩnh sàn gỗ lâu nay, đang được đặt kỳ vọng lớn trong việc lấy tiếng cười để đả kích thói hư tật xấu, những biểu hiện xuống cấp của đạo đức. Điện ảnh cũng được đặt niềm tin khi đang có sự thay đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đơn cử là cơn sốt phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" với doanh thu trên 80 tỷ đồng và số lượng lớn khán giả trẻ cho thấy sức hấp dẫn và cảm hóa của những tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Tất nhiên cũng có người bi quan khi nhìn lên sân khấu hài kịch hiện tại, bởi ở đó vẫn hiện diện những tiếng cười nhạt nhòa, dứt điệu cười không đọng lại ý niệm gì về đạo đức xã hội. Thế nhưng PGS.TS Từ Thị Loan - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định: Những vở hài kịch này sẽ không có sức sống lâu bền. Công chúng là người thẩm định nghệ thuật tốt nhất, là thước đo cho giá trị của tác phẩm. Chỉ có các nhà hát và vở diễn hoạt động nghiêm túc, phục vụ nghệ thuật chân chính mới có uy tín, ngày càng phát triển và đứng vững trong cơ chế thị trường. Ngay như điện ảnh, đã có một thời nở rộ phim "mì ăn liền", nhưng qua sàng lọc của thời gian đã bị đào thải và ngày nay chỉ có những phim có giá trị nhân văn, nghệ thuật cao mới thu hút được công chúng.
Lấy nghệ thuật để "chữa bệnh" đạo đức - ấy là ý tưởng hay, song đúng như các nhà quản lý văn hóa bày tỏ: Cần tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo nghệ thuật, tôn trọng quyền tự do sáng tác và kích thích tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đãi ngộ cho giới sáng tác và ghi nhận cống hiến của họ để họ toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật.