Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa đặt vấn đề điều chỉnh những mục tiêu kinh tế - xã hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm cho thấy, tình hình trên các mặt tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận có những mặt còn chậm, có những mặt còn chưa vững chắc và có những mặt còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề. Đó là nhận định của các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 4.

 
Chưa đặt vấn đề điều chỉnh những mục tiêu kinh tế - xã hội - Ảnh 1
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp.Ảnh: TTXVN

Không ít chủ trương, giải pháp bị "nghẽn"

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua; giá cả, thị trường khá ổn định; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm…

Tuy nhiên, tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Trong đó nổi lên là: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều có những khó khăn nhất định; chi phí đầu vào của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm; lãi suất cho vay còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết...

Phần lớn những khó khăn, thách thức này đều đã được dự báo và có những văn bản, nghị quyết, quyết định đề ra chủ trương, giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, tại buổi họp báo sau phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thừa nhận, những chủ trương, giải pháp đã có kinh nghiệm triển khai trong thực tế như việc ra các văn bản trình cơ quan thẩm quyền hoặc các văn bản hướng dẫn liên quan đến giãn, giảm thuế, một số giải pháp về hỗ trợ vốn… được các bộ, ngành, địa phương thực hiện sớm nhưng những giải pháp chưa từng làm dù cố gắng vẫn chậm thực hiện.

Đơn cử như chủ trương dành 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người có thu nhập thấp và trung bình mua nhà đã có từ đầu năm nhưng đến nay như thế nào là đối tượng có thu nhập thấp, trung bình; nhà như thế nào được coi là nhà phục vụ cho người thu nhập thấp, diện tích cụ thể là bao nhiêu, đơn giá như thế nào… vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Chính vì thế, vẫn chưa có người dân nào được tiếp cận nguồn vốn này.

Một vấn đề được nhiều người dân quan tâm là "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng. Tại phiên họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc huy động vốn của nền kinh tế hiện nay tương đối tốt, tỷ giá ổn định, thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện đáng kể, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% có khả năng đạt được. Đặc biệt những giải pháp bình ổn thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ - CP mặc dù vẫn cần tiếp tục phải điều chỉnh nhưng bước đầu đã góp phần không gây ra những cơn sốt trên thị trường này. Nhu cầu vàng của thị trường được bảo đảm đã giúp ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối…

Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch cúm đang có những diễn biến phức tạp, nếu để lây lan trên diện rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân cũng như gây thiệt hại lớn về kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình để có các biện pháp ứng phó hiệu quả.

Không lơ là việc kiềm chế lạm phát

Tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi kết luận phiên họp cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là mục tiêu kiềm chế lạm phát, đi cùng với đó là các chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; kiên quyết giữ được ổn định tỷ giá...

Cùng với đó, thực hành tiết kiệm triệt để chi tiêu công, chống lãng phí, Thủ tướng cũng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để có chính sách về lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; Rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để có biện pháp kiểm soát nhập khẩu; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu... Đây cũng là giải pháp thúc đẩy tăng tổng cầu của nền kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Trước quyết định của UBND TP Hà Nội về việc xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, tại buổi họp báo chiều 26/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu quan điểm, việc bảo vệ di sản với yêu cầu phát triển là hai mặt của một vấn đề và mức độ quan trọng ngang nhau. Chính vì thế, vấn đề phải được xem xét một cách toàn diện. Đây là thẩm quyền thuộc UBND TP Hà Nội và Bộ VHTT&DL, tuy nhiên, tinh thần của Chính phủ là sẽ tiếp tục thông qua các kênh thông tin nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học có chuyên môn về lịch sử, bảo tồn, văn hóa, giao thông, kinh tế, đô thị... để có giải pháp hài hòa, đảm bảo không để coi trọng mặt này xem nhẹ mặt khác nhưng phải  dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng tới đây cũng sẽ có ý kiến chính thức về những quyết định này của UBND TP Hà Nội.