Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa hạ trần lãi suất tiết kiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm 1% các lãi suất chủ chốt. Tuy nhiên, cơ quan này cũng khẳng định, chưa hạ trần lãi suất tiền tiết kiệm vì mức trần 7,5%/năm hiện vẫn phù hợp và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.

Lợi ích người gửi tiền có được đảm bảo?

Từ ngày 13/5, một loạt các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất sẽ bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể, theo Quyết định số 1073/QĐ-NHNN ngày 10/5 giảm lãi suất tái cấp vốn từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 9%/năm xuống 8%/năm.

 
Chưa hạ trần lãi suất tiết kiệm - Ảnh 1
 
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh HDbank Hà Nội.Ảnh: Trần Việt
 
Cùng ngày, NHNN cũng ban hành Thông tư số 10/2013/TT-NHNN quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm.

Đón nhận thực tế các ngân hàng liên tục hạ lãi suất đầu vào thời gian qua, nhiều người gửi tiền tỏ ra xót xa. Bà Nguyễn Thùy Liên (Kim Giang, Hà Nội) tính toán: Với khoản tiền gửi ngắn hạn 500 triệu đồng, hiện, bà chỉ được lĩnh lãi khoảng 3 triệu đồng/tháng. "Nói là lạm phát được kiềm chế nhưng thực tế, tôi thấy, nhiều loại hàng hóa thiết yếu đều tăng. Nếu lãi suất tiếp tục hạ, người gửi tiền sẽ rất thiệt thòi" - bà Liên nói.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, khi lãi suất cao, chúng ta cũng quan tâm tới việc DN vay cao, nhưng khi lãi suất thấp sẽ quan tâm tới việc lợi ích của người gửi tiền có được đảm bảo hay không. "Cả 2 mối quan tâm này đều được Chính phủ, NHNN coi trọng như nhau, sau khi cân nhắc yếu tố vĩ mô, kỳ vọng lạm phát, một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm xuống khoảng 7%/năm tùy theo kỳ hạn, ngắn thì thấp hơn" - ông Tiến khẳng định. Về trần lãi suất tiết kiệm, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định chưa hạ. "Lạm phát năm nay dự kiến khoảng 6,5 - 7%, do đó trần lãi suất 7,5% như hiện nay là phù hợp và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền" - vị đại diện NHNN này cho biết. 

Đưa lãi suất cho vay về tối đa 13%

Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, việc NHNN điều chỉnh các lãi suất cơ bản sẽ giúp các ngân hàng đánh giá được xu hướng điều hành lãi suất trong thời gian tới. Qua đó, góp phần điều chỉnh các mức lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN. Đại diện nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank... cam kết sẽ cố gắng đưa lãi suất cho vay về mức tối đa 13%/năm. Ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, từ 13/5 tất cả dư nợ cũ tại Vietcombank sẽ được hạ lãi suất xuống dưới 13%/năm. Hiện, ngân hàng này không còn dư nợ với mức lãi suất trên 15%/năm, trong khi dư nợ lãi suất 13 - 15%/năm còn khoảng 50.000 tỷ đồng. "Thông thường, lãi suất trung và dài hạn sẽ được định giá lại trong 3 - 6 tháng tùy vào tình hình cho vay. Lãi suất trung và dài hạn thả nổi, được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với mức margin (tiền ký quỹ hiện khoảng 3%), nếu giờ đang trên 13% thì tối đa 3 tháng sau sẽ giảm xuống dưới mức này do hiện lãi suất huy động 12 tháng đã giảm xuống khoảng 8%" - ông Dũng nói.

Tại Agribank, từ ngày 13/5, đơn vị này sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn tối đa là 10%/năm, trong đó có những gói cho vay chỉ khoảng 6,5 - 8%/năm...

"Nhiều DN chia sẻ, vấn đề bây giờ không phải là lãi suất mà là sản xuất cái gì và bán được sản phẩm đó ra thị trường. Khó khăn về tài chính do hàng tồn kho không tiêu thụ được, sức cầu nền kinh tế chưa được cải thiện, đầu tư ngân sách, tiêu thụ nội địa bị giảm thấp nên DN không có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cũng sẽ tạo cho DN thêm niềm tin cũng như giảm chi phí tài chính, qua đó giảm giá thành sản phẩm để tạo ra giá hàng hóa có khả năng cạnh tranh tốt hơn." - Ông Phan Đức Tú - Tổng Giám đốc BIDV