Điểm thi quốc gia là trọng số
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT được đa số lãnh đạo Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ và cả giáo viên, học sinh cho rằng sẽ cho kết quả trung thực, khách quan để làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhất là khi việc coi thi và chấm thi được tổ chức theo cụm, các trường ĐH, CĐ đủ năng lực được Bộ giao nhiệm vụ chủ trì.
Chia sẻ vấn đề này, PGS Bùi Xuân Nhàn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho biết: "Chúng tôi đang thảo luận lấy ý kiến trong toàn trường để đưa ra quyết định cuối cùng. Hiện nhà trường đang có vài định hướng, chẳng hạn những chương trình đào tạo chất lượng cao có thể kiểm tra thêm môn Toán và Ngoại ngữ. Những chương trình đào tạo khác, về cơ bản sẽ dựa vào kết quả của kỳ thi chung quốc gia, nhưng sẽ chọn 1 trong 2 phương án. Thứ nhất là dựa vào điểm thi, thứ hai là xét cả quá trình học tập".
Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|
Thay vì tự chủ tuyển sinh, năm 2015, Học viện Công nghệ và Bưu chính Viễn thông cũng dựa hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi quốc gia để tuyển sinh ĐH. PGS Lê Hữu Lập - phụ trách thông tin báo chí của Học viện cho biết, sẽ có vài đặc thù xét tuyển đối với một số ngành. Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (khối A, A1) có thể sẽ lấy điểm môn Vật lý hệ số 2. Sẽ có những ngành lấy điểm 4 môn thi, thay vì 3 môn theo khối, như Công nghệ đa phương tiện khối A và A1 lấy thêm điểm môn Ngữ văn. Lãnh đạo ĐH Hà Nội, ĐH Thủy lợi, ĐH FPT, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội… cũng cho biết, sẽ sử dụng kết quả thi chung quốc gia. Tuy nhiên, lấy đến mức độ nào còn phải chờ Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, bởi trong phương án tổ chức thi quốc gia vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.
Ngưỡng điểm xét tuyển từng môn là 1, 2, 3 hay 4?
Một trong những điều chưa rõ trong phương án tổ chức thi quốc gia là: "Căn cứ kết quả thi, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định". Ngưỡng tối thiểu được hiểu theo các hướng khác nhau, khiến các trường băn khoăn khi lập kế hoạch tuyển sinh năm tới. PGS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đang đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại ngưỡng điểm tối thiểu từng môn, bởi rõ ràng sẽ khó hơn điểm sàn rất nhiều. Lấy theo ngưỡng điểm sàn chung của 3 môn thì môn điểm cao bù trừ cho môn điểm thấp, nhưng giờ lấy theo mức từng môn thì thí sinh thiệt". PGS Hóa phân tích, theo điểm sàn năm ngoái, có em thi 3 môn, 1 môn đạt 9 điểm, 2 môn còn lại đạt 2 điểm/môn tổng cộng là 13 điểm thì có cơ hội đỗ ĐH. Còn tính theo mức từng môn, khả năng trượt rất nhiều, bởi không ai lấy ngưỡng 1 hay 2 điểm.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Hạnh - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng điểm của từng môn là hợp lý. Trước kia có khái niệm điểm liệt, bây giờ thay bằng ngưỡng. Ngoài mục đích là chuẩn tối thiểu vào ĐH còn giúp học sinh học đều các môn, nhất là khi đang thực hiện giáo dục toàn diện. Ngưỡng từng môn cũng là biện pháp để ngăn chặn học sinh học tủ, học lệch. Cùng quan điểm, ông Bùi Xuân Nhàn cho rằng, trước đây 0 là điểm liệt thì năm 2015 có thể là 2, 3, 4 điểm, tùy thuộc vào kết quả thi. Như thế, ngưỡng điểm từng môn sẽ góp phần nâng cao và là giới hạn để đảm bảo chất lượng đầu vào. Cách làm này vừa có lợi cho thí sinh lại vừa có lợi cho nhà trường để chọn được nguồn tuyển tốt nhất.
Phương án thi không cho biết mỗi thí sinh có mấy nguyện vọng nên nhiều chuyên gia cho rằng không thể tiên lượng được tỷ lệ thí sinh ảo. Bởi thế, nhiều người lo lắng, rất có thể năm 2015 tỷ lệ thí sinh ảo sẽ cao hơn 2014. |