Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa hết quan niệm cũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự việc người chồng quá ức chế, tẩm xăng đốt cả gia đình vì "bị nói" không sinh được con trai (tại thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng) làm xôn xao dư luận suốt thời gian qua. Đây là hồi chuông báo động về sự kỳ thị, trọng nam khinh nữ vẫn diễn ra phổ biến ở Việt Nam.

Quặn lòng…

Vợ chồng anh Điệp, chị Luyến sinh được 2 con gái, bố đẻ anh luôn mắng nhiếc vợ chồng anh vì không sinh được con trai nối dõi tông đường. Bản thân anh Điệp đã nhiều lần định uống thuốc tự tử vì "không chịu được nhục", còn chị Luyến mấy phen bị bố chồng đuổi ra khỏi nhà. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi ngày 17/3, thêm một xích mích nhỏ, giọt nước tràn ly, anh Điệp vì quá ức chế đã dùng xăng đốt giường khiến tính mạng cả nhà nguy kịch. Hiện, 2 trong số 6 thành viên gia đình đã tử vong do bỏng nặng.

Không nghiêm trọng như vụ án trên, làm việc nhiều năm tại Trung tâm phòng chống bạo hành phụ nữ, BV Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện bạo hành phụ nữ chỉ vì sinh con gái một bề. Chị Nguyễn Thu Hoài (Gia Lâm, Hà Nội) sinh ba con gái, chồng chị bắt phải sinh tiếp, nhưng sức khỏe yếu, chị không đồng ý. Vì thế, chị thường xuyên bị chồng đánh đập vì tội "không biết đẻ, làm mất mặt chồng". Nhiều lần chị phải nhập viện vì thương tích do chồng đánh. Còn chị Trần Thị Ninh (Long Biên, Hà Nội) 4 lần mang thai bị sẩy 2 lần, còn 2 đứa là gái. Chồng lại là con trai cả, vì vậy bố mẹ luôn "ép" vợ chồng anh phải tìm cách sinh được "thằng cu". Nhiều lần chị Ninh bị mẹ chồng ép uống đủ các loại thuốc của thầy lang. Khi chị bị sảy thai đứa thứ 4, gia đình chồng bắt anh phải có thêm "vợ bé" để sinh con nối dõi tông đường.

Chưa hết quan niệm cũ - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Đề cập đến sự kỳ thị, bất bình đẳng giới, bà Trương Thị Kim Hoa, Chi cục Dân số - KHHGĐ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể những câu chuyện đắng lòng. Cách đây chưa lâu, có một trường hợp ở Bắc Ninh, nhà có 2 chị em, một trai một gái, 2 chị em tranh nhau xem tivi, mẹ bảo chị nhường cho em, bố nói xen vào: "Nó là con trai, cái gì cũng phải ưu tiên đặc biệt, sau này nó nối dõi tông đường, còn mày là con gái, là dâu con người ta". Sau nhiều lần bị bố mẹ coi thường, hắt hủi, em đã thắt cổ tự vẫn.

Trăm dâu đổ đầu… phụ nữ

Theo điều tra của các chuyên gia dân số, hầu hết những sản phụ bỏ thai to (trên 14 tuần) có lý do giới tính thai nhi. Hiếm có trường hợp phá thai là con trai, khi thai bình thường. Đây là một minh chứng rất rõ về phá thai liên quan đến lựa chọn giới tính. Còn theo Trung tâm Nghiên cứu môi trường, sức khỏe và dân số (CREGPA) và Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) đã thực hiện nghiên cứu về giới, nam tính và sự ưa thích con trai ở Việt Nam trên 1.400 nam giới tại 2 tỉnh Hưng Yên và Cần Thơ năm 2011. Kết quả cho thấy, 74% người được hỏi cho biết  có ít nhất một con trai là quan trọng. Lý do có con trai là để thờ cúng tổ tiên (69%) và chăm sóc cha mẹ già (49%). Đáng lưu ý có đến 41% đàn ông khẳng định "là cha của bé trai chứng tỏ là một người đàn ông thực thụ", khiến anh ta có uy tín hơn trong cộng đồng... Ngược lại, nam giới và phụ nữ không có con trai thường phải chịu áp lực lớn từ gia đình và sự mỉa mai, trêu chọc của cộng đồng. Theo nghiên cứu này, 13% nam giới đổ lỗi cho phụ nữ vì giới tính của con, có đến 10% đàn ông thấy bất hạnh nếu không có con trai, 10,3% cho rằng không có con trai là do nghiệp chướng, ăn ở không có luân lý đạo đức.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho rằng, việc chế giễu những người sinh con gái một bề cũng là sự kỳ thị. Và sự kỳ thị ấy gây tâm lý bất ổn cho người sinh con một bề là gái, đàn ông có thể bị chế giễu mà về đánh đập vợ, ép vợ sinh con, phụ nữ vì bị miệt thị, bị chồng dồn ép mà chán đời, phẫn uất. Đã có rất nhiều tội ác xuất phát từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ, mà khởi đầu chỉ vì bị cười chê. Chính vì thế,  Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó có điều khoản "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái". Dù còn nhiều ý kiến tranh cãi, nhưng dẫu sao, đây cũng là một kỳ vọng về sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với những lời nói "gây hậu quả nghiêm trọng".