KTĐT - Ngày khai hội, ước tính chùa Hương đón 12 vạn lượt khách. Lượng người dồn về quá đông đã dẫn đến tình trạng lộn xộn, ùn tắc ở nhiều nơi. Dù BTC đã niêm yết công khai giá dịch vụ, nhưng du khách vẫn chịu cảnh “chặt chém” suốt dọc đường hành hương.
Giá dịch vụ “thiên biến vạn hóa”
Trước ngày khai mạc mùa lễ hội chùa Hương cả tuần lễ, việc ban tổ chức công bố chính thức giá một số dịch vụ chính trong mùa lễ hội đã làm cho du khách, người hành hương và các phật tử cảm thấy yên lòng.
Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu khai mạc lễ hội, nhiều du khách đã “ngã ngửa” với giá cả của những dịch vụ dù đã được niêm yết công khai.
Bảng niêm yết giá vé đò chất lượng cao được dựng dọc lối suối Yến, ngay trước cửa chùa Thiên Trù chính thức là 35 ngàn đồng/người.
Thế nhưng, mỗi chủ đò lại đưa ra một giá khác nhau. Giá vé đò được đưa ra mặc cả là 75 ngàn đồng/người, hai lượt vào ra đối với đò chất lượng cao; giá đò thường là 55-60 ngàn đồng/người, hai lượt vào ra, với điều kiện phải có đoàn đông hoặc chấp nhận ghép đoàn.
Khi được hỏi về giá niêm yết được Ban tổ chức công bố, chị Nguyễn Thị Hòa - một chủ đò cười, cho biết: “Đấy là giá ban tổ chức cứ đưa ra chứ đò của chúng em, chúng em thống nhất giá. Khách có nhu cầu đi thì đi… chúng em có ép đâu”.
Cũng tương tự, giá vé gửi xe máy niêm yết là 2.000 đồng cũng đồng loạt tăng lên thành 10.000 đồng/ 1 xe.
Bức xúc vì sự chênh lệch khó hiểu, chị Nguyễn Thị Vân Anh, du khách đến từ Bắc Ninh chia sẻ: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao giá cả dịch vụ chùa Hương năm nay lại vẫn cao gấp nhiều lần so với quy định. Trước khi đến đây, tôi được biết BTC đã công bố nên rất an tâm nhưng đến nơi thấy mọi việc vẫn y như mọi năm”.
Tại trạm cáp treo Thiên Trù, khoảng 14 giờ chiều, trạm bán vé vẫn đóng cửa trong khi có hàng chục “phe vé” chèo kéo du khách để bán cao hơn giá niêm yết.
Hàng nghìn người xếp hàng chờ mua vé tại sân ga cáp treo Thiên Trù. (Ảnh: Thế Cường)
Đường từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích quá tải, nhiều khu vực bị ùn tắc cả tiếng đồng hồ. Rất nhiều người, chủ yếu là người già và trẻ em đã phải quay trở xuống để tìm chỗ nghỉ chân.
Phục vụ cho mùa lễ hội, nhiều dịch vụ “đến hẹn lại lên” thi nhau “chặt chém” khách. Giá một chiếu ngủ qua đêm dao động từ 70 đến 100 ngàn đồng. Du khách có nhu cầu gửi đồ cá nhân leo núi thì có mức giá 30 đến 50 ngàn đồng cho một ngăn đồ.
Dịch vụ ăn uống cũng nở rộ, chào mời khách bằng những con thú rừng như hươu, nai, hoẵng, nhím, tê tê… đã được thui vàng.
Nếu không cẩn thận, du khách có thể bị các cửa hàng ăn uống và trông đồ “chém đẹp”. (Ảnh: Thế Cường)
Nhiều qui định của BTC bị “phớt lờ”
BTC quy định không được chở khách ban đêm, nhưng anh Nguyễn Văn N, một chủ đò hồn nhiên: “Bất kể khách có nhu cầu khi nào, chúng tôi phục vụ hết. Nhiều khách muốn đi đêm cho đỡ đông vì thế, đêm nào tôi cũng chèo mấy chuyến. Có khi đến 2 giờ đêm mới về nhà”.
Ban tổ chức yêu cầu chủ phải đeo phù hiệu nhưng hầu như không có một người chủ đò nào thực hiện đúng quy định.