Bỏ điều trị vì thông tin thiếu kiểm chứngBệnh lao là một bệnh nguy hiểm, có mức độ lây lan nhanh. Điều đáng nói, để điều trị lao, bệnh nhân thường phải trải qua một phác đồ rất dài, dao động từ 6 - 20 tháng. Bên cạnh đó, đa phần người bệnh thường bị phản ứng phụ của thuốc, nhẹ thì buồn nôn, say thuốc, nặng có thể bị ảnh hưởng tâm thần, điếc tai, đau cơ xương khớp, viêm gan… Chính vì vậy, không ít bệnh nhân lao chấp nhận ngừng điều trị theo phác đồ chuẩn. Thay vào đó, họ tìm đến các bài thuốc nam, thuốc tễ… được bào chế từ thảo dược và tin rằng, chỉ cần uống những loại lá cây đó, bệnh sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt.Bệnh nhân N.M.T. (61 tuổi, Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) mắc lao từ năm 2017. Bệnh nhân điều trị lao lần 1, tuy nhiên, do bị tác dụng phụ như rối loạn tiền đình, viêm gan, đau nhức cơ… bệnh nhân đã ngừng dùng thuốc. Nhờ một người bạn mách bảo cây na xiêm (bình bát) có khả năng chữa được bệnh lao, người bệnh tìm mua bằng được bài thuốc trên để sắc uống hàng ngày. Điều đáng nói, tình trạng bệnh nhân ngày càng trầm trọng hơn, ho nhiều hơn, có khi ho ra máu, sức khỏe suy kiệt. Lúc này, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện điều trị lại nhưng đã bị lao đa kháng thuốc.Bác sĩ Nguyễn Văn Khiêm - Trưởng Khoa Nội II, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, qua quá trình điều trị, bác sĩ chứng kiến rất nhiều bệnh nhân từ chối, bỏ điều trị lao vì tin vào các thông tin thiếu căn cứ. Điều đáng nói, những thông tin này xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội, trên báo chí. Điển hình nhất là thông tin cây bình bát chữa được bệnh lao, một số loại thuốc tễ, thuốc gia truyền… Các thông tin này đánh trúng tâm lý người bệnh như chữa khỏi nhanh chóng, không tác dụng phụ, không dùng thêm thuốc. Vì vậy, khi đang hoang mang do mắc bệnh trọng, không ít bệnh nhân tin và làm theo.Đánh đổi bằng sức khỏe và mạng sốngBác sĩ chia sẻ thêm: Tất cả các bài thuốc dân gian, truyền miệng về phòng chống lao chưa hề có công trình nghiên cứu chính thức nào. Nghĩa là nó thiếu căn cứ khoa học, y học. Trong khi đó, vi khuẩn lao sống rất lâu nên thời gian điều trị thường kéo dài, bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc đặc trị. Các bác sĩ phải kê cùng lúc ít nhất 3 loại kháng sinh đặc trị, nếu chỉ dùng 1 hay 2 thuốc cũng không có tác dụng diệt bệnh.Vì vậy, theo bác sĩ Khiêm, nếu có loại thảo dược có tác dụng chống lao đi chăng nữa, xét đến cùng nó chỉ là 1 loại thuốc, chưa đảm bảo đủ điều kiện đa kháng sinh trong trị lao, lâu dần, vi khuẩn lao sẽ kháng lại. Việc tự ý điều trị thuốc, chắc chắn bệnh nhân sẽ không khỏi bệnh, lâu dài bệnh nhân sẽ suy kiệt và tử vong. Còn với các bệnh nhân đang điều trị mà bỏ thuốc, điều này còn nguy hiểm hơn rất nhiều, bệnh nhân sẽ bị khuyếch đại kháng thuốc. Với lao kháng thuốc, lần điều trị tiếp vẫn có thể khỏi nhưng thời gian điều trị lâu hơn, phức tạp hơn. Và nếu cứ liên tiếp bỏ điều trị, bệnh nhân có thể bị siêu kháng thuốc, lúc này, cơ hội triệt bệnh vô cùng khó.“Chưa kể, bệnh lao lây lan nhanh, việc không điều trị triệt để có thể khiến bệnh lây lan từ người mắc bệnh cho người khỏe, đe dọa sức khỏe cộng đồng” - bác sĩ Khiêm nhấn mạnh. Hiện nay, với bệnh nhân lao, trong thời gian chữa bệnh, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân bổ sung dinh dưỡng, vitamin qua thực phẩm để tăng sức đề kháng. Cụ thể, bệnh nhân nên sử dụng đồ tươi, thịt cá, rau quả, một số loại vitamin… Đồng thời, khi có biểu hiện tác dụng phụ của thuốc, tùy thể trạng và tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê thuốc hỗ trợ tương xứng.Theo bác sĩ, điều tiên quyết kết quả trị bệnh phụ thuộc vào sự quyết tâm và hiểu biết của bệnh nhân, chỉ cần tuân thủ chỉ định, tái khám thường xuyên chắc chắn sẽ khỏi bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân đừng nên tin vào những thông tin thiếu căn cứ, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, có thể phải đánh đổi bằng tính mạng.