Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa lường hết tốc độ đô thị hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo Việt Nam 2035 “Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đã đề xuất một số tiêu chí, trong đó có tỷ lệ dân số thành thị. Theo đề xuất của Báo cáo, tỷ lệ này đến năm 2035 phải đạt trên 50%.

Trước khi bình luận về tiêu chí trên, cần nhận diện về tỷ lệ dân số thành thị hiện nay.

Các chỉ số thống kê cho thấy, tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam qua một số năm như sau.
TỶ LỆ DÂN SỐ THÀNH THỊ (%).  Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tỷ lệ dân số thành thị (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê
Từ các số liệu trên có thể nhận diện về tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam dưới các góc độ khác nhau.

Ở góc độ thứ nhất, nhìn tổng quát, tỷ lệ dân số thành thị có xu hướng tăng lên. Xu hướng này xuất phát từ việc đánh giá “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Điều đó có thể hiểu nôm na như sau. Không làm nông nghiệp thì sẽ loạn; không làm công nghiệp thì không giàu được; không làm thương mại thì không năng động được; không có tri thức thì không hưng thịnh, bền vững được. Mà thành thị là đất cho công nghiệp, thương mại, nghiên cứu khoa học. Trước đây đã từng có câu ví “Phú hộ nhà quê không bằng kéo lê thành phố”.

Ở góc độ thứ hai, xét theo thời gian, tỷ lệ dân số thành thị đã diễn biến qua các thời gian như sau.

Trước 1975, tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam rất thấp, ở dưới 20%, thậm chí trong nhiều năm trước thấp ở dưới 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp, thiếu hụt lớn về lương thực, thực phẩm, lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh kéo dài.

Năm 1975, tỷ lệ dân số thành thị tăng vọt lên vượt qua mốc 20%, chủ yếu do trước giải phóng, người dân ở nông thôn kéo vào sống ở thành thị. Từ năm 1977 tỷ lệ dân số thành thị đã giảm xuống nhanh, đã có một số năm xuống dưới 19%; do người dân từ thành thị chuyển về nông thôn, cùng với chủ trương sáp nhập, nhiều thị trần được “hạ cấp” thành xã, nhiều thị xã được “hạ cấp” thành thị trấn (như thị xã Ninh Bình trở thành thị trấn của huyện Hoa Lư, thị xã Phủ Lý trở thành thị trấn của huyện Kim Thanh, thị xã Phúc Yên trở thành thị trấn của huyện Kim Anh...).

Phải từ năm 1993, khi đất nước cơ bản ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng phát và kéo dài suốt trong thập kỷ 80 và chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ lệ dân số thành thị mới trở lại mốc 20%, tăng lên trong những năm sau đó, đến năm 2010 mới vượt qua mốc 30% và năm 2015 đạt 34,3%.
Như vậy, tính bình quân 1 năm trong thời kỳ 1930-2015, tỷ lệ dân số thành thị mới tăng được 0,31%, trong đó từ 2005 tăng 0,72%/năm, riêng từ 2010 đến 2015 tăng 0,76%/năm.
Chưa lường hết tốc độ đô thị hóa - Ảnh 1
Ở góc độ thứ ba, tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam hiện thấp xa so với tỷ lệ trên thế giới (của toàn thế giới là 53%, của châu Mỹ 79%, của châu Âu 72%, của châu Đại Dương 70%, của châu Á 46%, trong đó Đông Bắc Á 55%, riêng CHND Trung Hoa 54%, Đông Nam Á 48%, riêng Thái Lan 47%, Inđônêxia 50%, Philipin 63%, Malaixia 71%.

Ở góc độ thứ tư, tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam tuy còn thấp, nhưng chất lượng đô thị hóa còn thấp. Thành phố rộng ra (được mở rộng với nhiều khu đô thị mới...), cao lên (với nhiều nhà cao tầng, đường trên cao, cầu vượt...), sâu xuống (với nhiều đường hầm...), đẹp ra (với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhiều công trình văn hóa thể thao, giải trí...) và mặc dù có nhiều cố gắng giải quyết nhưng ách tắc giao thông vẫn tăng lên, mức độ ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn... không giảm, thậm chí còn gia tăng. Vẫn còn xuất hiện những dấu hiệu “nông thôn hóa thành thị”, “tâm lý tiểu nông”...

Báo cáo Việt Nam năm 2035 đã đề xuất tỷ lệ dân số thành thị Việt Nam đến năm 2035 đạt trên 50%. Người viết cho ràng đây là mức đề xuất còn thấp. Mấy năm gần đây, tỷ lệ dân số thành thị có xu hướng tăng nhanh (năm 2011 tăng 1,06%, năm 2014 tăng 0,93%, năm 2015 tăng 1,2%). Nếu trong 20 năm tới mức tăng trên 1% như trên, thì tỷ lệ dân số thành thị sẽ tăng thêm trên 20%, tức là vào năm 2035 sẽ đạt trên 54%. Tuy nhiên, do mức tăng có xu hướng cao lên theo quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thì tỷ lệ dân số sống ở đô thị sẽ còn cao hơn nữa.

Một vấn đề đặt ra là cùng với việc tăng lên của tỷ lệ dân số thành thị, việc quản lý đô thị phải được làm tốt, làm sớm từ khâu quy hoạch đến khâu quản lý đô thị. Đô thị không nên lấy việc tăng trưởng kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế thực (nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng) làm mục tiêu chủ yếu, mà chủ yếu phải là quản lý đô thị; về mặt tăng trưởng kinh tế chủ yếu là dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, khoa học công nghệ, du lịch...