Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa minh bạch cách tính giá cơ sở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi giá xăng dầu thế giới đang có dấu hiệu giảm, thuế xăng, dầu được hạ từ 19% xuống 18%, nhưng các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối lại tiếp tục kiến nghị tăng giá vì cho rằng vẫn đang bị lỗ.

Xăng, dầu lỗ hay lãi?

Công bố trên website của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sau khi trừ tất cả các khoản thuế, phí, hiện các DN xăng, dầu đang lãi khoảng 270 đồng/lít xăng, 290 đồng/lít dầu DO, 195 đồng/lít dầu hỏa và 130 đồng/kg dầu FO... Nếu cộng thêm 300 đồng lợi nhuận định mức thì các DN nhập khẩu đầu mối xăng dầu đang có lãi từ 430 - 590 đồng/lít, kg. Do có lãi nên các DN xăng, dầu đã nâng mức chiết khấu cho các đại lý lên mức 650 - 900 đồng/lít xăng. Theo các chuyên gia kinh tế, các DN còn có thể lãi cao hơn nhiều, do giá xăng, dầu thế giới từ ngày 18 - 24/5 giảm khoảng 2,4%. Như vậy, hiện DN kinh doanh mặt hàng này đang lãi kép, do vừa được giảm thuế, vừa được hưởng giá đầu vào giảm.

Chưa minh bạch cách tính giá cơ sở - Ảnh 1
 
Cần minh bạch cách tính giá xăng, dầu để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Trong ảnh: Mua xăng tại cây xăng Nguyên Hồng, Hà Nội.Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, đại diện Tổ điều hành thị trường xăng, dầu (Bộ Công Thương) cho rằng, DN xăng, dầu đang lỗ chứ không lãi. Bởi giá xăng, dầu nhập khẩu từ Singapore trong 10 ngày gần đây không giảm mà còn tăng, đầu tháng 5 giá xăng tại Singapore từ khoảng 106 USD/thùng đã tăng lên 112 - 113 USD/thùng trong vài ngày gần đây; Giá dầu thô cũng quanh mức 100 USD/thùng. Điều này khiến DN xăng, dầu đang lỗ 150 - 200 đồng/lít xăng và ít nhất 200 đồng/lít dầu.Các DN xăng, dầu cũng khẳng định, nếu tính giá bình quân 30 ngày, tính từ 26/4 - 26/5 giá xăng RON92 là 110,6 USD/thùng; DO 0,05S là 116,5 USD/thùng, với mức giá này, DN đang lỗ 247 đồng/lít xăng và 297 đồng/lít dầu diesel. Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, hiện DN còn phải gánh khoản lỗ lên đến 2.358.770 triệu đồng do tham gia hoạt động bình ổn giá năm 2011, nếu tính cả khoản này thì DN xăng dầu đang lỗ lớn.

Về thắc mắc, tại sao kêu lỗ mà DN lại vẫn tăng mức chiết khấu bán hàng cho các đại lý, đại diện tổ điều hành thị trường xăng, dầu cho rằng, hiện đang tồn kho một lượng lớn nên DN buộc phải tăng chiết khấu để đẩy mạnh bán hàng đã nhập để lấy vốn trả lãi ngân hàng và quay vòng nhập hàng mới về.Bên cạnh đó, dù các DN xăng, dầu kêu lỗ nhưng vừa qua Bộ Công Thương liên tục cấp giấy phép cho 4 DN kinh doanh xăng, dầu mới, nâng tổng số DN kinh doanh xuất nhập khẩu xăng, dầu lên 17 đầu mối, điều đó cho thấy lĩnh vực này đang rất hấp dẫn DN tham gia.

Bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng 

Tại nhiều cuộc họp về vấn đề xăng, dầu mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay việc điều chỉnh giá xăng luôn lấy xuất phát điểm từ lợi ích của DN.

Theo thông tin từ các DN kinh doanh mặt hàng này, trước khi kiến nghị tăng giá xăng, dầu, các DN đã kiến nghị Liên Bộ Tài chính - Công Thương giảm 2% thuế để tránh phải tăng giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá xăng dầu thế giới có tăng, có giảm nhưng giảm nhiều hơn tăng và Nhà nước đã giảm thuế xuống 18% để hỗ trợ DN, như vậy việc kiến nghị tăng giá đều xuất phát từ lợi ích DN.

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc lỗ hay lãi của DN xăng, dầu chỉ có Liên Bộ Tài chính - Công Thương và DN biết, bởi cách tính của mỗi đơn vị khác nhau và từ trước tới nay, dư luận chưa bao giờ đồng tình với việc kêu lỗ của họ. "Hiện việc lỗ, lãi của ngành xăng, dầu thường không rõ ràng, không biết phải căn cứ vào đâu để kiểm chứng. Trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, Nhà nước vừa giảm thuế nhập khẩu xăng dầu thì rõ ràng chi phí kinh doanh xăng, dầu đã giảm đáng kể, sao DN lại kêu lỗ?" - ông Doanh nhấn mạnh.

Việc tăng, giảm giá xăng, dầu nhanh hay chậm là vấn đề liên quan đến đời sống người dân và sản xuất của DN. Tuy nhiên, việc yêu cầu minh bạch hóa cách tính giá xăng dầu đã nhiều lần được đề cập đến nhưng đến nay vẫn chưa có những chuyển biến rõ rệt khi mới chỉ dừng lại ở cam kết sớm sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ - CP về kinh doanh xăng, dầu. Chính vì thế, tình trạng DN kêu lỗ, Hiệp hội tính lãi, trong khi các cơ quan quản lý không đưa ra được kết luận, căn cứ cụ thể và người dân tiếp tục phải chịu thiệt.
 
 

Không tăng giá xăng dầu

Trước những động thái "kêu" lỗ của DN xăng, dầu, chiều 31/5, Bộ Tài chính đã có công văn gửi gửi các DN đầu mối xăng, dầu về việc điều hành giá xăng dầu.

Theo đó, căn cứ đăng ký giá của các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối, trên cơ sở nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP thì chênh lệch giá cơ sở bình quân 30 ngày từ 30/4 đến 29/5 hiện xăng A92 có giá bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở là 399 đồng/lít, dầu diesel là 402 đồng/lít, dầu hỏa 290 đồng/lít, dầu madut 156 đồng/lít.

Do đó, liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu các DN không tăng giá bán lẻ xăng, dầu, giữ ổn định giá bán và mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là 300 đồng/lít, kg như hiện hành. Đồng thời, bắt đầu từ 0 giờ từ ngày 1/6, cho phép DN đầu mối xăng dầu sử dụng Quỹ bình ổn giá với mức 400 đồng/lít xăng, dầu hỏa 290 đồng/lít, dầu diesel 400 đồng/lít, dầu madut 160 đồng/lít.