Kinhtedothi - Để tránh tác động mạnh của thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lên giá xăng dầu, Bộ Tài chính khẳng định sẽ dùng công cụ quỹ bình ổn và thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu và lộ trình thế nào vẫn chưa được lãnh đạo Bộ chia sẻ.
Vẫn đang tính toán sao cho hợp lý
Từ 1/5, thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít. Tại buổi họp báo quý I của Bộ Tài chính sáng 7/4, nhiều câu hỏi đặt ra là làm thế nào để không ảnh hưởng đến lợi ích người dân cũng như tránh việc giá xăng dầu sẽ tăng cao? Và từ 1/5, Bộ Tài chính có giảm thuế nhập khẩu về 20% từ mức 35% như hiện nay hay không?
Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, mục đích của thuế BVMT là điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng BVMT, chống gây ô nhiễm, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm... Khi áp thuế BVMT, Bộ Tài chính sẽ tính toán linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn, chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp để cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ trong nước. Theo bà Mai, cùng một mặt hàng (xăng dầu) sẽ có nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau (MFN, ATIGA, ACFTA, AKFTA). Trong đó, 3 Hiệp định là Hiệp định thương mại tự do nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) sẽ phải giảm dần về các mức 5 - 20% theo cam kết. Song, thời gian qua, mức thuế nhập khẩu cho xăng dầu vẫn là thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) theo cam kết WTO, nên chênh lệch so với thuế trong các cam kết trên hiện rất lớn, từ 5 - 35%. Ngoài các khối trên, thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn được áp dụng là 30% cho dầu diesel, 35% cho xăng và dầu nhiên liệu.
Trước kiến nghị của Hiệp hội xăng dầu Vinpa giảm thuế nhập khẩu 30 ngày trước thời điểm áp dụng mức thuế BVMT mới để các DN đầu mối bán hết lượng hàng tồn kho đã nộp thuế nhập khẩu theo mức thuế cũ. Bà Mai cho biết: “Từ 1/5, có giảm thuế nhập khẩu ngay xuống 20% hay không thì chưa thể nói được, Bộ Tài chính đang tính toán phương án điều hành để điều chỉnh mức thuế MFN hiện hành bằng mức thuế ATIGA (mức thấp nhất theo các cam kết quốc tế) nhằm thống nhất mức thuế nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, về nguyên tắc, để được hưởng các mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam phải có xuất xứ “Form D” – một chứng nhận xuất xứ được ban hành bởi cơ quan hải quan các nước trong khối trên để nhằm chứng nhận xuất xứ sản phẩm” - bà Mai nhấn mạnh.
Giá sữa có tăng phi lí hay không phải sau 15/4 mới biết!
Cũng tại cuộc họp báo, một vấn đề được báo chí phản ánh là thời gian vừa qua, dù đã bị áp giá trần, thậm chí từ ngày 1/3 các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi đều bị cấm quảng cáo, nhưng giá sữa không những không giảm mà còn tăng. Cụ thể như sữa Abbott sắp tăng khoảng 8%, Dutch Lady bản Gold mới đắt hơn nhiều so với mẫu cũ, với trẻ trên hai tuổi, trước đây có thể uống Enfagrow số 3, nay phải đổi thành Enfagrow số 4 mẫu mới giá cao hơn loại số 3 trước đây 20.000 đồng/hộp…
Đại diện Cục quản lý giá cho biết, với mặt hàng sữa bột dưới 6 tuổi, ở thời điểm hiện tại, đang phải chịu cùng lúc hai hình thức kê khai giá và áp giá trần (một số dòng sản phẩm, còn hình thức đăng ký giá đã được Bộ Tài chính thông báo ngừng từ 1/12/2014). Theo quy định của Luật Giá, trên cơ sở kê khai giá của DN, cơ quan quản lý sẽ quyết định ấn định mức giá trần (với một số dòng, nhóm sản phẩm). Từ ngày 15/4, theo yêu cầu của Cục Quản lý giá, các DN sản xuất, kinh doanh sữa phải kê khai lại giá sữa sau khi rà soát, tiết giảm các chi phí, đặc biệt là loại chi phí quảng cáo cho trẻ dưới 24 tháng tuổi theo đúng Nghị định số 100/2014/NĐ - CP ra khỏi giá thành. Muốn biết rõ DN tăng giá bất hợp lý hay không phải đợi sau 15/4, khi DN hoàn thành báo cáo. Liên quan đến việc giá nguyên liệu sữa thế giới giảm mạnh nhưng trong nước vẫn đứng yên, đại diện Cục quản lý giá cho hay, qua theo dõi giá chào bán trên thị trường thế giới giảm nhưng tại Việt Nam, qua theo dõi của cơ quan hải quan giá vẫn ổn định.
Như vậy, từ nay đến 15/4, người tiêu dùng vẫn phải chịu mua giá sữa ở mức cao. Có thể, với văn bản yêu cầu lần này của cơ quan quản lý, DN cũng sẽ kê khai lại với các mặt hàng sữa trước ngày 15/4 như lịch hẹn, nhưng giảm giá bán sản phẩm thì xem chừng khó. Khó không chỉ DN nói không có cơ sở thực tế để giảm (giá sữa nguyên liệu có giảm nhưng không nhiều, còn lương công nhân và nhiều thứ liên quan lại tăng, kèm theo sự thiệt hại nặng vì việc áp giá trần). Khó còn bởi cơ quan quản lý khó tìm ra kẽ hở trong những bảng kê khai giá mà bắt DN kê khai lại hay điều chỉnh giá.
Người tiêu dùng chọn mua sữa tại một cửa hàng trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công
|
Kiểm tra việc thu phí của 20 doanh nghiệp tàu biển Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ vừa có quyết định kiểm tra 20 DN vận tải tàu biển, lý do là nhiều DN xuất nhập khẩu kêu về mức phí phụ thu đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa mà các DN tàu biển đang thu bất hợp lý, làm tăng chi phí đối với các DN xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các DN vận tải tàu biển lớn, chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Việc kiểm tra sẽ kết thúc ngay trong tháng 4 này. |