Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa rõ mục đích, yêu cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 27 và cho ý kiến vào Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Mặc dù lần thứ hai được trình, nhưng Dự thảo nghị quyết cũng như Đề án vẫn bị "chê" còn quá đơn giản, chung chung và chưa rõ tính khả thi.

34.275 tỷ đồng đổi mới giáo dục phổ thông

Theo đề án của Bộ GD&ĐT: Việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ theo hướng toàn quốc thống nhất một chương trình, SGK quốc gia quy định mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung giáo dục bắt buộc, đồng thời hướng dẫn các nội dung giáo dục mở rộng (cùng với thời lượng) để các trường vận dụng xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện của mình. Ngoài SGK chính, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác và sẽ thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng... Chương trình mới dự kiến được xây dựng theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp Tiểu học và THCS, phân hóa rõ dần từ cấp Tiểu học đến cấp THCS và sâu hơn ở cấp THPT… đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu, tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày Đề án tại Phiên họp.      Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày Đề án tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN
 
Khi trả lời câu hỏi "Cần bao nhiêu kinh phí để thực hiện Đề án này" của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Tổng kinh phí mà Bộ dự kiến bước đầu là 34.275 tỷ đồng, chưa kể số tiền phải đầu tư mang tính trọng điểm vào những cơ sở còn đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất.

Nhấn mạnh đến đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất là hai yếu tố cơ bản cùng với chương trình, SGK cấu thành chất lượng giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, cần bổ sung thêm hai nhiệm vụ (có thể xây dựng thành các Đề án riêng): Bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp.

Đề án quan trọng nhưng làm quá sơ sài 

Dự kiến, với đề án này, đến hết năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc biên soạn SGK theo chương trình mới và năm 2016 thực hiện thí điểm đến năm 2023 triển khai đại trà ở tất cả các cấp học. Nhưng băn khoăn về tính khả thi của lộ trình này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: Từ nay đến năm 2016 không còn nhiều thời gian, vậy, chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất của các nhà trường có đảm bảo không, hay đến đó lại bảo do đội ngũ không đáp ứng, cơ sở vật chất thiếu... nên chất lượng kém?

Mặc dù Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, về cơ bản hiện đã đủ về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Bộ GD&ĐT đã hình dung cách làm, sẽ đào tạo tập trung ở các trường sư phạm, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa..., sau 1 - 2 năm là đủ theo chuẩn. Nhưng, các thành viên UBTV Quốc hội vẫn thấy Dự thảo Nghị quyết và Đề án thiếu cụ thể, thiếu định hướng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước thẳng thắn cho rằng, chỉ riêng báo cáo đánh giá tác động cũng quá sơ sài, chưa đầy đủ. Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ thêm tác động của Đề án, nhất là khó khăn khi thực hiện. Đại biểu Trương Thị Mai cũng băn khoăn: "Đọc Đề án thấy cái gì cũng đúng, nhưng tôi thấy lo lắng vì chưa có gì cụ thể cả. Một đề án quan trọng như thế mà đánh giá tác động có 2,5 trang giấy A4 thì đơn giản quá...". Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: "Đề án nhắc nhiều đến việc "tích hợp" mà không thấy đưa vào những tư duy mới trong Hiến pháp, tham khảo kinh nghiệm làm chương trình, SGK tiến bộ của thế giới. Từ năm 2000 tới nay cứ loay hoay với đổi mới giáo dục, đã giải quyết được gì chưa? 34.275 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD) không phải là chuyện nhỏ. Tôi đề nghị đề án phải lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, giáo viên, người dân, chứ không phải hôm nay đưa ra Quốc hội thông qua, để rồi 10 năm sau lại xin đổi mới...".

Đề nghị Bộ GD&ĐT cần bổ sung và hoàn thiện lại Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phê bình: "Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chưa rõ mục đích, yêu cầu đổi mới như thế nào. Có thể nói là chưa có nội dung, dường như chỉ sao, chép lại quan điểm của Đảng...". Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải làm rõ, qua 10 năm đổi mới giáo dục gần đây, đã đạt được những kết quả gì, hay dở ra sao, cần đổi mới như thế nào cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện hiện nay. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, phải đổi mới ở cả tư duy giáo dục, phải biến những việc đang làm rất phức tạp hiện nay thành rất đơn giản để học sinh có thời gian học những thứ khác về kỹ năng, cuộc sống, xã hội...

Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề theo Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 (Khóa XI); giải quyết những bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với các luật khác.