Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa rõ trách nhiệm

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án thua lỗ, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng là một trong những vấn đề làm “nóng” phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên vấn đề này nhận được sự quan tâm của các đại biểu (ĐB) từ phiên thảo luận kinh tế - xã hội trước đó, đến phiên chất vấn lần này. Bởi như nhận định của các ĐB, thật đau xót khi chỉ riêng 5 dự án nghìn tỷ đang thua lỗ với số vốn thất thoát rất lớn, trong khi người dân vùng sâu, vùng xa đang phải sống khổ vì rất thiếu tiền đầu tư.
Nhìn rộng ra ngày đầu tiên của phiên chất vấn, có thể thấy tinh thần thẳng thắn và tranh luận tại nghị trường đã được thể hiện. Số ĐB đặt câu hỏi nhiều, sẵn sàng tranh luận. Các Bộ trưởng dù lần đầu “đăng đàn” trên vị trí công tác mới, nhưng “Bộ trưởng đã trả lời lưu loát” các vấn đề đặt ra. Dù rằng còn nhiều vấn đề chưa làm hài lòng ĐB và cử tri, song tinh thần trách nhiệm được nhìn nhận rất thẳng thắn.
Không phải một, mà nhiều ĐB cùng đề cập đến việc đầu tư thất thoát, thua lỗ tại các dự án do DN Nhà nước làm chủ đầu tư, cho thấy sự quan tâm đặc biệt với vấn đề này. Chính phủ có nêu nguyên nhân của những dự án thất bại do công tác chuẩn bị sơ sài, không tính toán đầy đủ, cân đối vốn, dẫn đến bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, đầu tư kém hiệu quả. Phát biểu trước Quốc hội, dù chưa khẳng định cụ thể, nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận còn có một số dự án khác cũng đứng trước nguy cơ mất vốn, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Đồng thời sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát, để có thống kê đầy đủ nhất báo cáo Quốc hội. Từ bài học qua 5 dự án lớn thua lỗ, Bộ trưởng cũng nhận thấy rằng, cần rút kinh nghiệm để xây dựng quy trình đảm bảo trong quản trị vốn Nhà nước, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế ngành. Làm rõ vai trò của DN Nhà nước và trách nhiệm giữa bộ chủ quản, bộ quản lý về quy trình, thủ tục đầu tư của các DN.
Theo các ĐB, câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các bộ liên quan đến đâu vẫn cần phải làm rõ, bởi giải trình của Bộ trưởng chưa thấy trách nhiệm thuộc về ai. Có ý kiến cho rằng: “Bộ trưởng nói đang thanh tra, kiểm tra các công trình nghìn tỷ “đắp chiếu”, nhưng việc này cũng là chậm. Đầu tư gần chục năm nay, hiệu quả không đạt thì phải xử lý ngay để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra”. Đặc biệt là tình trạng dự án đầu tư càng lớn, DN xếp hạng càng cao, nhưng dù thua lỗ thì những người liên quan quản lý vẫn được hưởng mức lương cao theo thang bậc lương của các DN xếp hạng, làm xuất hiện những nhóm người ăn theo tại các DN đó. Một câu hỏi các ĐB đưa ra và cử tri cũng mong muốn được thấy rõ là, những người tham gia vào quá trình thẩm định, xây dựng dự án có ý kiến như thế nào về việc ra đời dự án, và chịu trách nhiệm đến đâu khi dự án không hoàn thành.
Vẫn biết trách nhiệm không ở người phải trả lời chất vấn là Bộ trưởng đương nhiệm, nhưng nếu không chỉ ra được cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm, sẽ khó có được những giải pháp thấu đáo ngăn chặn tình trạng dự án thua lỗ, thất thoát như hiện nay.