Biện pháp này được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi là một trong 3 trụ cột của chiến lược khôi phục tăng trưởng kinh tế và cải cách xã hội, được gắn cho biệt danh là Abenomic. Mục tiêu hàng đầu và trước hết của BOJ với biện pháp nói trên là đưa xứ Phù Tang thoát ra khỏi tình trạng giảm phát dai dẳng từ nhiều năm qua. Sau 2 năm, vào thời điểm FED chuẩn bị để từ bỏ và Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) lại áp dụng biện pháp chính sách tiền tệ này ở châu Âu, có thể nói ông Abe và BOJ chưa thành công như mong đợi nhưng cũng không đến nỗi hoàn toàn thất bại. Nhật Bản chưa thoát hẳn tình trạng giảm phát nhưng kinh tế nước này đến giờ đã có được nhiều chuyển biến tích cực và có dấu hiệu cho thấy chuyển biến ấy ngày càng thêm ổn định. Tác dụng của biện pháp chính sách nói trên của BOJ bị hạn chế không nhỏ bởi quyết định của chính phủ tăng thuế giá trị gia tăng. Mức độ hạn chế này lại phần nào được kìm hãm bởi giá dầu lửa thấp trên thị trường thế giới. Tất cả những chỉ số mới nhất về lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế đều khả quan hơn so với trước đối với Nhật Bản, cho dù vẫn còn chưa được như mục tiêu mà chính phủ và Ngân hàng T.Ư nước này theo đuổi. Tình trạng hiện tại ở Nhật Bản có thể gây hoài nghi về tác dụng của Abenomic nhưng chắc chắn không làm chính phủ và BOJ cũng hoài nghi tương tự mà sẽ coi việc chưa bị thất bại làm cơ sở để tin rằng rồi sẽ thành công. Có thể dự đoán được rằng tới đây, chưa có khả năng Nhật Bản điều chỉnh hay thay đổi chính sách tiền tệ.