Giáo viên bậc thấpphải có trình độ cao
Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã đề ra giải pháp để đáp ứng mục tiêu là tất cả giáo viên tiểu học, THCS, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trình độ từ ĐH trở lên. Mới đây, tại hội nghị nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông" do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, nhóm nghiên cứu đưa ra đề nghị trong năm học 2014 - 2015 ngừng đào tạo giáo viên bậc TC và CĐ sư phạm. Lý do là càng giáo viên đào tạo bậc học thấp thì trình độ phải cao. Nhiều chuyên gia đồng tình bởi chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Hơn nữa, giáo dục mầm non giúp trẻ phát triển thể chất, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách đòi hỏi người giáo viên có trình độ cao.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình xóa bỏ các trường CĐ sư phạm ngay, bởi năm 2011, tại hội nghị các trường sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra định hướng đến năm 2015 và 2020, trình độ chuẩn của giáo viên mầm non và tiểu học là CĐ. Đến thời điểm này, chắc chắn không thể đạt được, nên Tiểu ban đổi mới giáo dục bậc mầm non đề ra chương trình hành động đến năm 2020 giáo viên mầm non đạt trình độ CĐ, trước mắt phấn đấu mỗi lớp có một giáo viên có trình độ ĐH. "Khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhiều địa phương rất thiếu giáo viên mầm non... Giáo viên tốt nghiệp TC sư phạm còn thiếu, làm sao nâng cấp lên CĐ sư phạm và ĐH sư phạm ngay được?" - Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm T.Ư Đặng Lộc Thọ bày tỏ quan điểm.
Có lộ trình, làm chắc chắn
Nếu đòi hỏi có ngay đội ngũ giáo viên trình độ ĐH thì không ít giáo viên hiện tại phải học nâng cao trình độ từ TC lên ĐH trong thời gian 2,5 năm, từ CĐ lên ĐH 1,5 năm - việc không đơn giản. Bài học nhãn tiền đã có là có giai đoạn "sính" bằng cấp, đào tạo ồ ạt hệ tại chức, việc kiểm soát đầu vào - ra thiếu chặt chẽ, đã làm hỏng mô hình đào tạo vừa học vừa làm. Do vậy cần có lộ trình để thực hiện dần dần, làm chắc chắn để đảm bảo chất lượng.
Cũng có ý kiến cho rằng, giáo viên được đào tạo ĐH ngành mầm non có thuận lợi về mặt tri thức khoa học, được đào tạo bài bản hơn, nhưng không thể hơn giáo viên trình độ CĐ về sự cần mẫn, tình yêu nghề, yêu trẻ, năng khiếu múa hát. Hơn nữa, thời gian vừa qua các trường sư phạm đào tạo quá nhiều, khiến SV tốt nghiệp không tìm được việc làm. "Tôi đồng ý việc không tồn tại các trường TC và CĐ sư phạm. Nghị quyết T.Ư 8 về giáo dục đã yêu cầu giáo viên tiểu học phải có trình độ ĐH. Nhưng, chúng ta làm đồng bộ ngay trong tất cả các tỉnh thành thì rất khó nên trước mắt thực hiện ở những nơi có điều kiện. Các trường ĐH sư phạm của T.Ư chủ yếu trang bị kiến thức nghiên cứu lý luận, còn các trường ĐH sư phạm của tỉnh và TP thực hiện đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ" - ông Vũ Ngọc Phương - Phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội đề nghị.
Giáo viên mầm non và tiểu học tốt nghiệp ĐH là điều mong muốn từ lâu bởi để có những công dân tốt thì phải chăm chút ngay từ bậc học đầu tiên. Tuy nhiên, trước khi thực hiện xóa bỏ trường TC và CĐ sư phạm, Bộ GD&ĐT nên điều tra, khảo sát yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ nên mạnh tay thu lại quy mô các trường, các lực lượng dư thừa sẽ làm việc khác mang lại hiệu quả cho xã hội.
Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội ra trường được đánh giá đạt chất lượng cao. Trong ảnh: Giờ học của các cháu trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Ảnh Quý Trung
|