Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa thống kê được số tiền thu được từ bán thanh lý 264 xe công

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được đại diện Cục quản lý công sản - Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm về việc thanh lý 264 xe công chiều nay (2/7).

Chưa thống kê được số tiền thu được từ bán thanh lý 264 xe công - Ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Bao giờ thanh lý 7.000 xe công dư thừa?

Trước đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết, giá trị 390 triệu đồng phải được hiểu là giá trị còn lại trên sổ sách kế toán của 264 xe ô tô tại thời điểm có quyết định thanh lý, không phải là số tiền thu được từ bán thanh lý số xe ô tô này.

Chiều 2/7, trả lời câu hỏi của báo chí về việc số tiền thực thu được từ bán thanh lý số xe ô tô công này, bà Tạ Thanh Tú - Cục phó Cục Quản lý công sản cho biết, hiện vẫn chưa thể trả lời ngay câu hỏi này vì cần thời gian để tổng hợp thông tin và tính toán.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tất cả các xe công mua sắm, thanh lý, điều chuyển đều phải báo cáo Bộ Tài chính theo định kỳ.

Về việc bao giờ thanh lý 7.000 xe công dư thừa, Bộ Tài chính cho hay, các Bộ, cơ quan muốn thanh lý xe công phải có quy trình và thời gian, không phải khi thống kê xong là ngay lập tức thanh lý ngay được. “Có thông tin về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ thông tin kịp thời đến người dân”, bà Mai nhấn mạnh.

Hạn mức tối đa 2 xe công/đơn vị khiến các sở, ngành Hà Nội gặp khó

Liên quan tới vấn đề xe công, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng của Bộ Tài chính diễn ra sáng cùng ngày, một số địa phương nêu ý kiến về quy định mỗi sở, ban, ngành chỉ được trang bị tối đa 2 xe ô tô là ít so với nhu cầu thực tế. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, địa bàn Hà Nội rộng với khối lượng công việc lớn, các sở, ban, ngành vì vậy phải đi cơ sở nhiều để xử lý công việc. Bởi vậy, mức tối đa 2 xe khiến các đơn vị gặp khó khăn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét “cơ chế đặc thù” để mỗi sở, ban, ngành của Hà Nội có thể được trang bị 4 xe.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, định mức này sẽ vẫn được giữ nguyên theo quy định. Bà Mai cho rằng, việc các địa phương mong muốn là đề nghị. Hiện, Quyết định 32 vừa được Thủ tướng ban hành nên tất cả các cơ quan đều phải thực hiện theo quy định. Ý kiến đề xuất của các đơn vị, Bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, những gì hợp lý về chính sách sẽ nghiên cứu, tiếp thu, điều gì chưa hợp lý sẽ điều chỉnh lại.

Được biết, UBND TP Hà Nội đã có văn bản kiến nghị được tăng thêm số lượng xe công cho các Sở ngành và Bộ Tài chính đang xem xét. Trả lời về việc Bộ Tài chính đã xử lý đề xuất này của Hà Nội đến đâu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cáo bận.

Thu NSNN 6 tháng ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, thu NSNN 6 tháng ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ trong 2 năm gần đây. Trong đó, thu nội địa đạt 48,8% dự toán năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2015; thu từ dầu thô đạt 37,2% dự toán năm, giảm 44,8% so cùng kỳ, thu xuất nhập khẩu đạt 41,9% dự toán; giảm 2,2% so cùng kỳ. Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khá. Tính chung, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán, trong đó 45 địa phương thu đạt từ 50% trở lên. Trong khi đó, thu ngân sách Trung ương thấp, mới đạt khoảng 42% so với dự toán và thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước do giá dầu thô giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do.

Về chi NSNN, 6 tháng ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015.