Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị 6.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, ngành công thương Hà Nội đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng này như thế nào?

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về vấn đề này.

Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, để tránh khan hàng "sốt" giá, ngành công thương Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa như thế nào, thưa ông?

- Dự kiến, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô vào dịp Tết Quý Tỵ 2013 sẽ tăng từ 18 - 20% so với cùng kỳ năm 2012.

Chuẩn bị 6.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết - Ảnh 1

Người dân mua hàng Tết Nhâm Thìn trong phiên chợ Việt tại huyện Từ Liêm. Ảnh: Hoài Nam

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trước và sau Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng, đáp ứng 20 - 25% lượng nhu cầu tiêu dùng tăng thêm của TP trong những tháng Tết.

Để có đủ hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tháng Tết lên đến 6.000 tỷ đồng, Sở Công Thương và các doanh nghiệp thương mại sẽ tổ chức khai thác nguồn hàng như thế nào?

- Để có nguồn hàng giá rẻ, chất lượng đảm bảo, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các doanh nghiệp đã có kế hoạch khai thác hàng hóa từ các tỉnh bạn. Với mặt hàng thịt lợn, dự kiến tiêu dùng 12.000 tấn/tháng Tết, hiện nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn TP đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường Hà Nội. Để tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ do dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có phương án khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Nam.

Một số mặt hàng như gia cầm, hải sản, rau củ quả do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong khi khả năng tự đáp ứng của TP có hạn nên các doanh nghiệp đã có kế hoạch khai thác từ các tỉnh rất sớm. Trong đó, dự kiến khai thác khoảng 38% nhu cầu thịt gia cầm; hơn 80% thủy hải sản; thực phẩm chế biến nhập từ 70 - 85%; 45% nhu cầu rau củ…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, để bình ổn giá cả thị trường, đưa hàng phục vụ Tết đến tay người tiêu dùng nhất là các địa phương, Sở Công Thương sẽ có giải pháp như thế nào?

- Để bình ổn giá cả, Sở Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp được tạm ứng vốn trong chương trình bình ổn giá và vốn tự có nhằm đẩy mạnh dự trữ hàng hóa không để thiếu hàng trong dịp Tết. Dự kiến nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường là 2.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tập trung bán hàng thiết yếu tại 710 điểm bán bình ổn giá cố định, 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, công ty trên địa bàn. Trong dịp này, cũng sẽ có hơn 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng khác về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con các huyện.

Xin cảm ơn ông!