KTĐT - EVN cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức “Lễ ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân”.
Kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân do Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) tài trợ 50%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chi 50%.
EVN cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức “Lễ ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân”. Theo đó, hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan tuyển sinh cán bộ, sinh viên đi đào tạo kỹ sư, thạc sỹ các chuyên ngành điện hạt nhân tại Trường Đại học Nghiên cứu hạt nhân Quốc gia Nga (MEPHI). Trong đó kinh phí đào tạo do Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) tài trợ 50%, EVN đài thọ 50%, các chi phí khác theo chế độ Nhà nước quy định.
EVN cấp bổ sung tiền sinh hoạt phí 200 USD mỗi người một tháng cho cán bộ, sinh viên. Thỏa thuận hợp tác có hiệu lực đến hết năm 2020 nhằm xây dựng dự án đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận và chương trình phát triển điện hạt nhân của quốc gia đến năm 2020.
Dự kiến, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công tháng 12/2014. Còn Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ khởi công vào tháng 5/2015. Theo đó, nhu cầu nhân lực cho chương trình điện hạt nhân ở giai đoạn đầu từ nay đến 2020 của Việt Nam sẽ khá lớn, bao gồm nguồn nhân lực cho quản lý, giám sát và xây dựng cũng như vận hành bảo trì các nhà máy điện hạt nhân. Nguồn nhân lực này phải đủ về số lượng và chất lượng để bảo đảm khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ.