Theo TS tâm lý Trần Thành Nam (Đại học quốc gia Hà Nội), “cách học dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn không đạt được hiệu quả cao. Nhiều học sinh học rất nhiều, nhưng không thể tiếp thu được kiến thức vì quá mệt mỏi, ngủ gật, thậm chí có học sinh vì áp lực thi cử quá lớn dẫn đến loạn thần trước giờ thi. Không chỉ kết quả học tập trong suốt thời gian dài “đổ xuống sông, xuống biển” mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe”.Thầy Nam khuyên, những ngày sát kỳ thi, thí sinh nên bình tĩnh rà soát lại toàn bộ kiến thức của mình xem phần kiến thức nào mình còn thiếu thì bổ sung. Bố trí thời gian học, ngủ, nghỉ và vui chơi giải trí hợp lý. Tuyệt đối không nên thức quá 23 giờ đêm, mất ngủ hoặc ngủ ít sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các em cũng nên chia sẻ áp lực ôn tập thi cử với cha mẹ, thầy cô và bạn bè, tránh những chuyện có thể gây sốc về tâm lý. Trước khi làm bài cần đọc kỹ đề thi, sử dụng hết các kỹ năng, phương pháp đã học để làm bài, bài dễ làm trước, khó làm sau. Nhiều em có tâm lý khi bước vào phòng thi là hồi hộp, tim đập loạn nhịp... Để giải tỏa căng thẳng này, các em nên tĩnh tâm, thả lỏng cơ thể vài phút, hít sâu, thở đều và tự trấn an mình, cho rằng đó là những kiến thức mình đã học, không đáng ngại.Thầy Nam cũng cho rằng, các bậc phụ huynh không nên áp đặt lên con những kỳ vọng quá lớn, hoặc để con “tự bơi”, mà cần đồng hành với con mình, giúp con có một sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái để bước vào kỳ thi. Sau kỳ thi, phụ huynh cũng cần theo dõi sát diễn biến tâm lý của con để có cách phòng ngừa những điều đáng tiếc có thể xảy ra một khi làm bài thi không tốt, hoặc các em có tâm lý xả hơi sau kỳ thi bằng cách đi tắm biển, sông, đến những khu vực có thể nguy hiểm đến bản thân.