Trong khi nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn nằm ở khu vực phía Tây đang phải tạm dừng triển khai theo hình thức BT, thì khu vực phía Đông lại được Hà Nội cho phép triển khai nhiều dự án lớn. Mới đây, tại cuộc họp về công tác rà soát các dự án BT trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kết luận dừng hàng chục dự án BT.
Trong đó, những dự án phải dừng có khá nhiều dự án giao thông lớn ở khu vực này như đường 70 đoạn Đại lộ Thăng Long -Nhổn, đường Lê Đức Thọ -Xuân Phương, trục Tây Thăng Long, đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ,….
Tuy nhiên, gần đây nhiều thông tin về đầu tư các dự án hạ tầng lớn tại Hà Nội lại đang đổ dồn về phía Đông. Quy mô vốn đầu tư những dự án này lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tháng 9/2013 vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt báo cáo khả thi dự án tuyến đường nối từ đê Ngọc Thụy đến KĐT mới Thượng Thanh thuộc Long Biên.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 2.754 tỷ đồng do CTCP Khai Sơn là chủ đầu tư. Tuyến đường này dài 4km rộng 40m. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai ngay trong 2013, hoàn thành vào năm 2016. Đổi lại, chủ đầu tư được đầu tư một dự án có tổng mức đầu tư 3.000 tỷ.
Him Lam cũng vừa nhận được Hà Nội chấp thuận đầu tư dự án nút giao trung tâm quận Long Biên, bao gồm cầu vượt trực thông 6 làn xe theo hướng đường Nguyễn Văn Linh - Đông Trù (đường 5 kéo dài). Tổng mức đầu tư dự án này 2.847 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2014 đến 2015. Để đối ứng cho dự án này, một loạt các khu đô thị mới ở khu vực Long Biên sẽ do Him Lam là chủ đầu tư như 20ha ở Dương Xá, 320ha ở Cự Khôi và 135ha ở ngoài bãi sông Hồng.
Ngoài ra, dự án đường vành đai 2 trên cao do Vingroup là chủ đầu tư dự án cũng là tuyến đường quan trọng và huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với phía đông, đổi lại Vingroup được làm chủ dự án 90ha ở Sài Đồng, và một dự án khác 130ha ở phía Tây.
Bên cạnh những dự án vừa mới được Hà Nội cho phép đầu tư theo hình thức BT ở khu vực phía Đông, hiện tại những tuyến đường quan trọng khác ở khu vực này đang được đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành như cầu Đông Trù và tuyến đường 5 nối dài dự kiến hoàn thành vào cuối 2015, đường cao tốc mới Hà Nội-Hải Phòng,… sẽ tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng khu vực này.
Cùng với đó nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vingroup, Him Lam,… đang chuẩn bị nhiều dự án khu đô thị mới ven sông Hồng, trên địa bàn quận Long Biên sẽ hứa hẹn tạo nên một diện mạo đô thị mới cho khu vực phía Đông Thủ đô trong tương lai gần.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đồ án quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô đến 2020 và tầm nhìn 2030, theo Đồ án này, Hà Nội sẽ xây dựng tới 15 cây cầu, trong đó có 8 cầu qua sông Đuống, hiện cầu Nhật Tân cũng đang được thi công để rút ngắn khoảng cách kết nối giữa Nội Bài vời trung tâm Thủ đô, tạo đà phát triển cho khu vực phía Đông Bắc.
Đáng chú ý, một hầm ngầm xuyên qua sông Hồng sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông cho người dân thủ đô. Theo đại diện của Sở Giao thông vận tải thì hầm vượt sông Hồng này dự kiến sẽ xuất phát từ cuối đường Trần Hưng Đạo. Như vậy, có thể thấy hầm vượt sông Hồng sẽ kết nối khu nội đô với quận Long Biên.
Như vậy có thể thấy trong giai đoạn 2014-2016, khu vực phía bên kia sông Hồng thuộc địa bàn quận Long Biên sẽ được đầu tư lớn, các công trình giao thông lớn cũng sẽ được đổ dồn về khu vực này, một cuộc cách mạng về hạ tầng được dự báo sẽ nằm ở phía Đông.