Chuẩn bị vận hành xe buýt nhanh BRT: Sẽ thay đổi thói quen đi lại

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/12, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo giải đáp thắc mắc xung quanh phương án vận hành và tính hiệu quả của xe buýt nhanh BRT.

Đầu tư hợp lý
Ngày 1/1/2017, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa sẽ chính thức đi vào vận hành, mở đầu cho sự xuất hiện của loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn tại Hà Nội và cả nước. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, so với một số loại hình VTHKCC khối lượng lớn khác như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm…, xe buýt BRT là phù hợp với khả năng tài chính và thực tế giao thông của Hà Nội hơn cả. Theo dự toán, kinh phí đầu tư cho toàn tuyến là 53,6 triệu USD; tuy nhiên, theo Giám đốc Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội Vũ Hà, hiện nguồn vốn giải ngân cho dự án mới chỉ đạt trên 41 triệu USD, và tất cả các hạng mục đầu tư đều đảm bảo đúng như dự toán ban đầu, không đội vốn.

Thử nghiệm xe buýt nhanh BRT tại Bến xe Kim Mã.      Ảnh: Ngọc Hải

Đối với những thắc mắc xung quanh tiến độ thực hiện dự án (khởi động từ năm 2007), Trưởng ban Giao thông, Ngân hàng Thế giới (WB), đồng Giám đốc Dự án Jung Eun Oh chia sẻ: “Không chỉ Hà Nội mà nhiều TP khác trên thế giới cũng chậm tiến độ tương tự trong lần đầu thực hiện. Tuyến BRT 01 không chỉ là đầu tiên của Hà Nội mà còn là đầu tiên của Việt Nam. Kinh nghiệm thực hiện, các tiêu chí, tiêu chuẩn đều chưa có, nên cùng với TP, WB phải vừa làm vừa xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện dự án. Do đó, việc chậm tiến độ là không thể tránh khỏi”. Mặt khác, tuyến buýt BRT 01 còn được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, phải thông qua quy trình đấu thầu quốc tế công khai, thời gian triển khai khó lòng rút ngắn. Hơn nữa, dự án này lại trùng với thời điểm xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nhiều hạng mục phải chờ đợi đường sắt đô thị dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.
Bước đi chiến lược
Xung quanh lộ trình đi qua trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương – Tố Hữu, hiện mật độ giao thông rất cao và thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhiều ý kiến dư luận cho rằng không phù hợp thực hiện tuyến buýt BRT 01. Tuy nhiên, như bà Jung Eun Oh nhận định: “VTHKCC khối lượng lớn phải tập trung vào những cung đường có mật độ đô thị, giao thông cao để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân”. Ban đầu, khi phải đối diện với thói quen sử dụng xe cá nhân của Nhân dân, xe buýt BRT có thể sẽ gặp nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng Hà Nội cần quyết liệt, bền bỉ thực hiện kết hợp với các biện pháp tuyên truyền hữu hiệu cho người dân mới mong thay đổi được thực trạng UTGT diễn ra trong khu vực.
Theo phân tích của Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, xe buýt BRT được lưu thông trên làn đường riêng, chỉ đi thẳng, không chuyển làn, chuyển hướng nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình di chuyển. Trước mắt, thời gian đi lại của xe buýt BRT sẽ ít hơn 20% so với xe buýt thường và tương lai chắc chắn sẽ còn ít hơn nữa. Không chỉ có ưu thế về tốc độ, xe buýt BRT còn có những điểm nổi bật mà chưa loại hình VTHKCC nào có được, ví dụ như: Sử dụng sàn đồng mức, thuận tiện cho người khuyết tật lên xuống; bán vé, soát vé ngay tại nhà chờ, thuận tiện cho cả hành khách lẫn nhân viên phục vụ trên xe… Ông Hải cũng cho biết, hiện tại, tuyến buýt BRT 01 đã được kết nối với 30 tuyến buýt thường; tương lai sẽ còn kết nối với cả đường sắt đô thị và nhiều tuyến BRT khác. Đó chính là nền tảng cơ bản để hình thành một mạng lưới VTHKCC năng lực cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, giảm thiểu UTGT cho Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần