Báo cáo từ chương trình năng lượng sạch USAIS Việt Nam (VCEP) cho thấy, 5 đô thị lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ có hơn 3 triệu mét vuông sàn chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991 với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống. Khoảng 10.000 hộ dân sống trong hơn 200 khối nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hà Nội có khoảng 1155 khối nhà chung cư với tổng diện tích khoảng 1,7 triệu mét vuông cần được cải tạo, xây dựng lại. Ở TP Hồ Chí Minh, 10 nghìn hộ dân đang sinh sống trong 0,5 triệu mét vuông nhà ở xuống cấp nghiêm trọng ở 6 khu chung cư tập trung và rải rác ở 12 quận nội thành.
|
Hà Nội có khoảng 1155 khối nhà chung cư cũ cần được tái thiết |
Việc buông lỏng quản lý và thiếu kinh phí bảo trì dẫn đến tình trạng quỹ nhà này bị xuống cấp nghiêm trọng (cả phần diện tích chủ sở hữu lẫn cho thuê). Hầu hết các chung cư cũ đều xảy ra tình trạng quá tải. Các căn hộ bị đục phá, thêm người ở, rò rỉ nước ở bể nước trên mái làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền của các căn hộ. Các khu nhà ở này đang trong tình trạng điều kiện môi trường, cảnh quan tồi tệ. Những khu nhà chung cư xuống cấp dễ dàng bị đổ sập trước tác động của thiên tai như động đất hay bão tố.
Hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp các chung cư cũ ngoài nội dung của kế hoạch tổng thể quốc gia. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã lập chương trình, kế hoạch để cải tạo các khu chung cư cũ nhằm cải thiện bộ mặt mỹ quan đô thị và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, phần lớn các dự án liên quan đến tái thiết chung cư cũ đều đang dậm chân tại chỗ.
Ở góc nhìn đơn vị tư vấn, bà Vũ Thị Kim Thoa – Trưởng đoàn tư vấn Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam cho rằng tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh đã khiến nhu cầu sử dụng năng lượng trong các công trình ở Việt Nam tăng lên chóng mặt với tổng mức tiêu thụ năng lượng dự kiến tăng gấp ba trong giai đoạn từ 2010 - 2020. Trong bối cảnh đó, Chương trình Năng lượng Sạch Việt nam của USAID phối hợp với Bộ Xây dựng sẽ giảm cường độ phát triển khí thải nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch. Mục tiêu giảm phát thải khi đến năm 2020 là 8-10% so với mức 2010, giảm 1-1,5% mỗi năm đến năm 2030.
|
Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Xây dựng cho rằng chất lượng của chung cư cũ sẽ cải thiện nếu tuân thủ quy chuẩn 09/2013 của Bộ Xây dựng |
Theo ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Xây dựng, thực tế quá trình cải tạo chung cư cũ có liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng công trình cao tầng mới. Hầu hết các dự án đều có diện tích trên 2000m2 sàn nên phải tuân thủ quy chuẩn 09/2013 của Bộ Xây dựng về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Dự án của VCEP nghiên cứu rất kỹ về các tiêu thụ năng lượng của công trình xây dựng tại 5 đô thị lớn. Riêng tại Hà Nội, các khối nhà trong một dự án chung cư cũ là nhiều, tổng diện tích lớn. Nếu quan tâm áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm từ công tác quy hoạch, thẩm tra, thẩm dịnh thiết kế tới quá trình nghiệm thu các hệ thống cơ địa của công trình thì tiềm năng chất lượng dự án ởHà Nội và các đô thị lớn nói chung là khả thi.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Viết Chiến - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam lại phản biện rằng việc cải tạo chung cư cũ đẹp và xanh hơn không ai phải đối. Tuy nhiên quan trọng hơn là làm thế nào để thực hiện được? Đây là câu hỏi chúng ta đang “tắc” rất lâu. Thực tế hàng chục năm nay Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dù đã tập trung vào câu chuyện tái thiết chung cư cũ nhưng vẫn mang tính chất cải tạo nhỏ lẻ. Vướng mắc lợi ích ba bên: Nhà nước, Doanh nghiệp, người dân chưa được điều hòa. Vì vậy bài toán tiên quyết là làm sao bắt tay triển khai được trước khi nói đến câu chuyện xanh hay không xanh. Đưa xanh vào cải tạo chung cư cũ là tốt, thậm chí cái công trình xây dựng mới cũng đang khuyến khích theo hướng này. Dù vậy “chưa tìm ra được lời giải thì đừng bàn quá nhiều đến nâng cấp.