Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung kết ngược

Hải Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những sự cố liên tiếp khiến sân chơi V.League bị đặt trong tầm ngắm của dư luận. Nhiều người tự hỏi, giải đấu và những đội bóng nhà nghèo sẽ đi về đâu giữa một V.League vô cùng khắc nghiệt.

 Và định mệnh dẫn lối khi ở vòng đấu này, các đội bóng nhà nghèo lại phải đối diện với nhau.
Ngư ông đắc lợi
Long An chính là đội bóng được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn gần đây. Dù bị nhận diện là ứng viên cho suất xuống hạng mùa này, nhưng đội bóng này mới trở thành nhân vật chính trong mọi cuộc luận bàn của giới truyền thông cũng như dư luận. Chỉ có điều, họ được nhắc đến với tư cách của một nhân vật chính trong câu chuyện đáng quên mang tên “quay lưng lại chuyên nghiệp”.
Sau biến cố phản ứng trọng tài, Long An đối diện với tổn thất rất lớn. 3 nhân vật ảnh hưởng nhất đội bóng phải nói lời chia tay. Đầu tiên là chủ tịch Võ Thành Nhiệm. Tiếp đó là Giám đốc kỹ thuật Huỳnh Ngọc San, HLV trưởng Ngô Quang Sang, đội trưởng Huỳnh Quang Thanh và thủ môn Nguyễn Minh Nhựt. Họ vừa là thủ lĩnh tinh thần, vừa là chiến lược gia, hoặc những người có ảnh hưởng nhất trên sân, nhưng bốc chốc phải ra đi sau màn phản ứng điên rồ tại Thống Nhất.

Chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm lao vào sân tranh cãi với trọng tài Nguyễn Trọng Thư trong trận CLB TP Hồ Chí Minh - Long An.

Cuộc khủng hoảng của Long An mang đến thuận lợi cho HAGL, một đội bóng cũng đang ngập tràn trong khó khăn. Hai đội bóng này sẽ gặp nhau vào cuối tuần trong bối cảnh, một đội bóng đang hưng phấn sau hai chiến thắng liên tiếp, còn đội chủ nhà đang oằn mình trong khủng hoảng. Trên lý thuyết, Long An có lợi thế sân nhà nhưng trong bối cảnh hiện tại, liệu đội bóng có gượng dậy được? Và nếu không có được điểm trong trận chung kết ngược này, Long An sẽ bị đối thủ trực tiếp bỏ xa trên bảng xếp hạng và khi ấy, ngày về với họ sẽ gần hơn bao giờ hết.
Công Vinh thoát hiểm?
Đội bóng được hưởng lợi nhất trong sự phản kháng điên rồ của Long An vòng đấu trước chính là TP Hồ Chí Minh. Đội bóng của Công Vinh vào thế “bất chiến tự nhiên thành”. Có được 3 điểm nhàn hạ, cải thiện được thứ hạng  và giờ là lúc, họ phải dấn thêm một bước để sang được khu vực “an toàn”. Nói vậy là bởi, vòng đấu này họ sẽ đối diện với Cần Thơ, một trong những ứng viên xuống hạng.
Đương nhiên, một HLV có nghề trong việc tìm kiếm vé trụ hạng như ông Vũ Quang Bảo của Cần Thơ hiểu cần phải làm gì trong những trận cầu 6 điểm. Họ phải dốc sức để có được ít nhất 1 điểm trên sân khách nhằm bảo toàn khoảng cách về điểm số. Ông Bảo cũng hiểu, đối thủ của mình đặt mục tiêu phải thắng và đó cũng là cơ hội để họ thực hiện chiến thuật cù cưa nhằm cầu hòa. Đá phòng ngự phản công là nghề của ông Bảo. Đáng nói hơn, dù ở chiếu trên nhưng TP Hồ Chí Minh của cựu danh thủ Công Vinh cũng không phải là đội bóng quá mạnh, có khả năng áp đảo đối phương.
Hơn ai hết, Công Vinh hiểu ý nghĩa của trận cầu tâm điểm này. Anh đang cùng các cộng sự của mình làm tất cả những gì có thể nhằm tìm kiếm chiến thắng. Từ việc vung tiền thuê ca sĩ nổi tiếng nhằm tạo hiệu ứng trên khán đài đến treo thưởng cao cho các cầu thủ nếu giành chiến thắng. Nhưng, yếu tố quan trọng nhất có thể giúp TP Hồ Chí Minh của Công Vinh thoát hiểm chính là nội lực, sự gắn kết giữa các cầu thủ và một đấu pháp hợp lý chứ không phải là những thao tác nơi hậu trường.
Cuộc chiến trụ hạng phục thuộc vào những cuộc đối đầu trực tiếp giữa các ứng viên. Nếu giành được chiến thắng, họ sẽ tạo được ưu thế về điểm số cũng như tâm lý trong cuộc đua trụ hạng. Cũng vì điều này mà những trận đấu giữa các đội bóng nhà nghèo bao giờ cũng căng thẳng, kịch tính. Nó cũng đặt ra bài toán với Ban tổ chức giải là làm sao để điều hành trận đấu thành công. Bài học về sự đổ vỡ trong trận đấu giữa TP Hồ Chí Minh và Long An đang đẩy Ban tổ chức giải, VPF và VFF vào một cuộc khủng hoảng mà đến giờ vẫn chưa thể khắc phục hậu quả.