Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 22/12: Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục làm đầu tàu kéo chỉ số Vn-Index

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên cuối tuần, thị trường chứng kiến sự giằng co mạnh mẽ. Mặc dù được cổ phiếu ngân hàng kéo lên nhưng dòng tiền yếu ớt vẫn không thể khiến VN-Index bứt phá.

Thanh khoản tiếp tục thấp kỷ lục, ngân hàng kéo chỉ số

Sức ép từ bên bán không đủ nhiều để đẩy thị trường giảm sâu, tiền mua cũng nhỏ và chỉ chờ giá thấp khiến khả năng hồi lại tương đối dễ nhưng cũng lại không kéo mạnh. Trạng thái giằng co này khiến VN-Index luẩn quẩn quanh ngưỡng 1.100 điểm với biên độ tối đa không quá 5 điểm. 

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng 0,63 điểm (0,06%) lên 1.103,06 điểm với 197 mã tăng, 284 mã giảm và 88 mã đứng giá. HNX-Index lại có diễn biến trái ngược khi giảm nhẹ 0,21 điểm (0,09%) còn 228,27 điểm với 73 mã tăng, 88 mã giảm và 67 mã đứng giá.

Thị trường có 334 mã tăng, 370 mã giảm
Thị trường có 334 mã tăng, 370 mã giảm

Kéo điểm chỉnh cho VN-Index hôm nay là BID tăng 1,56% và GVR tăng 1,76%. 2 cổ phiếu này đã đóng góp cho chỉ số chung 1,3 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hoá nhưng một số cổ phiếu vốn hoá lớn tăng khá tốt: STB tăng 2,26%, LPB tăng 1,63%, BID tăng 1,56%, HDB tăng 1,07%; MBB, SHB tăng gần 1%... Ngược lại, VPB, TCB, CTG, ACB, OCB giảm gần 1%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán lại nghiêng về sắc đỏ: VND giảm 1,15%, SHS giảm 1,6%; HCM, VCI, VIX, BSI… giảm gần 1%.

Nhóm bất động sản xây dựng cũng phân hoá mạnh: NTL tăng 3,08%, CTD tăng 2,03%, PDR tăng 1,52%, SZC tăng 2,34%, HDG tăng 1,04%; CEO, VHM, VCG, BCG tăng gần 1%. Ngược lại, DXG giảm 2,34%, DIG giảm 1,34%, HQC giảm 2,36%, HHV giảm 1,63%, ITA giảm 2,26%; TCH, VIC, CII, LCG giảm gần 1%.

Một vài cổ phiếu nhóm sản xuất tăng mạnh là BMP tăng kịch trần, GVR tăng 1,76%, DRC tăng 4,06%...

Thanh khoản cải thiện so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE gần 12.300 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua.

Khối ngoại xả ròng tiếp hơn 507 tỷ đồng tập trung vào các cổ phiếu HPG 93,4 tỷ, VND 79,5 tỷ, MSN 67,1 tỷ, SSI 42,9 tỷ, VPB 41,5 tỷ, VCB 37,3 tỷ, VNM 28,2 tỷ, STB 23,4 tỷ. Phía mua có MWG 54,8 tỷ, HDB 23,2 tỷ...

Cổ phiếu "ông lớn" ngành nhựa BMP tăng kịch trần, lập đỉnh mới

Cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh tăng trần lên mức đỉnh mới 100.000 đồng/cp. Từ cuối tháng 10 đến nay, mã này đã tăng 30%. Còn so với thời điểm đầu năm 2023, BMP đã tăng gấp đôi giá trị. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp và cũng là mức đỉnh mới của cổ phiếu đầu ngành nhựa này. 

Được biết, ngày 12/12 vừa qua, Nhựa Bình Minh đã thực hiện thanh toán cổ tức bằng tiền đợt 1/2023 tỷ lệ 65%. Số tiền đã chi là hơn 532 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, trong kỳ, doanh thu thuần của BMP đạt 926 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ giá vốn cùng các chi phí khác đồng loạt giảm mạnh nên lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 209 tỷ đồng, tăng 19%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận đạt 3.702 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% so với 9 tháng năm trước và lợi nhuận sau thuế 784 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ - vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm (dự kiến đạt 651 tỷ đồng).

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đạt 3.477 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Hàng tồn kho giảm 22% xuống 449 tỷ đồng. Công ty có 2.035 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng, chiếm 59% tài sản. Tính đến hết tháng 9/2023, Nhựa Bình Minh thu về 88 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay.

Nợ phải trả của Nhựa Bình Minh là 512,4 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn 493 tỷ đồng, trong đó, công ty đi vay và nợ thuê tài chính chỉ hơn 55 tỷ đồng.